Quảng Ninh: Dành 71,3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà vệ sinh trường học
Khu nhà vệ sinh trường học nhất là khối tiểu học ở Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm đầu tư đồng bộ đảm bảo xanh – sạch – đẹp.
Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 340.000 học sinh và trẻ mầm non đến trường (tăng hơn 9.600 học sinh so với năm học trước), trong đó khối mầm non tăng thêm hơn 2.300 trẻ. Toàn tỉnh có 645 trường học và cơ sở giáo dục, trong đó có trên 88% số trường đạt chuẩn quốc gia.
Số lượng học sinh tăng đã đặt ra những áp lực về cơ sở vật chất để đáp ứng các yêu cầu về dạy và học ở các cấp học.
Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh và các địa phương trong tỉnh đã cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các phòng học không đảm bảo an toàn.
Trong đó, xóa phòng học tạm tại 89 trường học với tổng kinh phí gần 190 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp thư viện, phát triển văn hóa đọc cho các trường tiểu học với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng; mua sắm thiết bị lớp 1, lớp 2 và lớp 6 với kinh phí hơn 218 tỷ đồng.
Không riêng việc nâng cấp, cải tạo các công trình phòng học, thư viện, tỉnh Quảng Ninh còn dành 71,3 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh tại 87 trường học. Từ đó, đảm bảo cho học sinh có môi trường học tập, sinh hoạt thuận tiện, thoải mái và văn minh.
Ưu tiên cấp nước cho trường học, đảm bảo khu nhà vệ sinh được vận hành sạch sẽ
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đa số đều được đầu tư sửa chữa, xây dựng khu vệ sinh đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh.
Đặc biệt, ở khối tiểu học, với đặc trưng học sinh ăn bán trú và sinh hoạt cả ngày ở trường nên mặc dù có tên gọi là “công trình phụ” nhưng khu nhà vệ sinh lại đóng vai trò rất quan trọng.
Việc đảm bảo cơ sở vật chất, giữ gìn môi trường sạch sẽ khu nhà vệ sinh có mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề đảm bảo sức khỏe cho học sinh và mang đến tâm lý yên tâm cho phụ huynh khi gửi gắm con ở trường cả ngày.
Điển hình tại thành phố Uông Bí, (Quảng Ninh), không chỉ đầu tư xây dựng, sửa chữa các dãy nhà học, phòng học khang trang, sạch đẹp mà khu nhà vệ sinh của trường học cũng được lãnh đạo địa phương quan tâm đầu tư đồng bộ với phương châm “xanh – sạch – đẹp”.
Tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), do số lượng học sinh ăn bán trú của nhà trường là hơn 800 học sinh trên tổng số 1.122 em nên nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh khi ở trường rất là cao.
Cô Đào Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt cho biết: “trước đây, trường có dãy nhà A, B được xây dựng cách đây hơn 10 năm. Đến năm 2017, trường được đầu tư xây mới dãy nhà C có 3 tầng.
Do nhà vệ sinh cũ đã xuống cấp và được phá bỏ để lấy diện tích xây dãy nhà C nên sau khi hoàn thiện, học sinh từ 3 dãy nhà học đều sử dụng chung nhà vệ sinh ở dãy nhà C.
Thời điểm đó, học sinh di chuyển từ dãy nhà A, B sang khu nhà vệ sinh của dãy C khá xa, cộng thêm số thiết bị hạn chế chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của học sinh.
Cụ thể, dãy nhà C có 3 tầng, mỗi tầng có 2 phòng vệ sinh dành cho nam, nữ riêng nhưng mỗi phòng chỉ có 2 thiết bị vệ sinh nên khu vệ sinh thường xuyên ở trong tình trạng quá tải vào các giờ giải lao.
Từ thực tế trên, nhà trường đã có đề nghị tới lãnh đạo địa phương được xây bổ sung một khu nhà vệ sinh riêng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của học sinh.
Được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, năm học 2021 – 2022, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt được đầu tư xây mới khu nhà vệ sinh.
Sau khi được đưa vào sử dụng từ tháng 2/2022, học sinh có thể thoải mái sử dụng nhà vệ sinh, không còn tình trạng quá tải vào giờ giải lao nữa.
Thiết kế mới có hệ thống thoát nước rất tốt, không có tình trạng nước đọng trên sàn. Bên cạnh đó, bồn rửa tay được lắp riêng phía bên ngoài nên đảm bảo an toàn vệ sinh hơn.
Ngoài ra, để phục vụ cho học sinh ăn bán trú, mỗi tầng của dãy nhà A, B, C đều được lắp đặt bồn rửa. Các con ăn bán trú sẽ rửa tay, rửa mặt ngay tại mỗi tầng (đầu dãy và cuối dãy) chứ không cần phải đi xuống khu nhà vệ sinh”.
Không chỉ sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh, khu nhà vệ sinh của các trường ở thành phố Uông Bí đều có chung mẫu thiết kế, được lắp đặt giá cây xanh làm tăng cảnh quan cho khu vực này.
Cô giáo Thủy cho biết thêm: “Mặc dù gọi là “công trình phụ” nhưng khu nhà vệ sinh đặc biệt quan trọng với các nhà trường nhất là khối tiểu học.
Nếu mất nước một ngày hoặc thậm chí chỉ một giờ thôi là cả một vấn đề lớn. Nhu cầu sử dụng nước của học sinh, giáo viên rất nhiều như các con bán trú rửa tay, rửa mặt, nhà vệ sinh rồi giáo viên vệ sinh lớp học,…
Theo đó, nhà trường đã có đề nghị với nhà máy nước tại khu vực ưu tiên cấp nước để các con lúc nào cũng có nước sử dụng khi đến trường.
Thông thường, cách ngày nhà máy mới bơm nước nhưng nhà trường được ưu tiên bơm nước mỗi ngày để đảm bảo đủ nước cho khu nhà vệ sinh và tất cả các tầng”.
Tạo nền nếp giữ gìn khu vệ sinh chung cho học sinh ngay từ khối lớp 1
Để giữ gìn môi trường sạch sẽ, đảm bảo trang thiết bị tại khu nhà vệ sinh sau khi được đầu tư xây mới cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và tại thành phố Uông Bí nói riêng.
Các nhà trường chú trọng việc rèn nền nếp, hướng dẫn học sinh sử dụng nhà vệ sinh đúng cách ngay từ khi khối lớp 1 nhập học. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội quy cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh), năm học 2017 – 2018, trường được đầu tư xây dựng khu nhà vệ sinh ngay sau khi thành phố triển khai Đề án trường học xanh – sạch – đẹp.
Năm học này, toàn trường có 1.298 học sinh. Theo đó để đảm bảo việc duy trì khu nhà vệ sinh sạch, đẹp và các thiết bị đều sử dụng tốt, nhà trường thường xuyên tiến hành rà soát, thay mới thiết bị và kiểm soát nghiêm việc dọn vệ sinh.
Cô Phạm Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi cho biết: “Trong quá trình học sinh sử dụng, không tránh khỏi việc thiết bị sẽ hao mòn và hư hỏng. Theo đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã rà soát và thay thế những thiết bị hỏng.
Ban giám hiệu nhà trường cũng phân công một đồng chí Phó hiệu trưởng phụ trách tăng cường công tác quản lý, kiểm tra vệ sinh cùng với nhân viên y tế để kiểm soát thiết bị, xem xét các điều kiện vệ sinh trường học và ý thức của học sinh khi sử dụng nhà vệ sinh.
Để rèn nền nếp, ý thức cho học sinh, trường có nội quy chuyển về các lớp để giáo viên tuyên truyền, phổ biến cho học sinh biết cách cách sử dụng thiết bị, không được vất rác xuống bồn cầu, rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh,…
Ý thức thực hiện nội quy khi sử dụng nhà vệ sinh cũng được đưa vào quy chế chấm thi đua của các lớp.
Nhà trường cũng quán triệt nhân viên lao công giữa các tiết nghỉ phải đảm bảo việc vệ sinh ngay sau khi học sinh sử dụng”.
Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Ngay trong tuần đầu học sinh khối lớp 1 tới nhập học, giáo viên sẽ dẫn các em xuống khu nhà vệ sinh và trực tiếp hướng dẫn từng con sử dụng thiết bị vệ sinh đúng cách và phải rửa tay sau khi đi vệ sinh.
Học sinh thường xuyên được tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp về việc giữ gìn vệ sinh chung. Theo đó, học sinh cũng có ý thức nếu bạn nào chưa rửa tay hay nghịch ngợm thì sẽ nhắc nhở bạn.
Hoạt động giáo dục, rèn nền nếp được diễn ra thường xuyên nên ngay khi làm quen với trường, lớp thì học sinh cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh”.