Quảng Ninh: Di chuyển Trường THPT Tiên Yên – Mô hình ích nước, lợi dân

(Xây dựng) - Với nhiều thông tin, dư luận khác nhau dẫn tới sự hiểu lầm về đề án di chuyển Trường THPT Tiên Yên về địa điểm Trường THPT Nguyễn Trãi – Tên Yên, phóng viên đã trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên và đồng chí Trưởng phòng Giáo dục huyện. Các đồng chí đều đồng ý với các chủ trương của UBND tỉnh cũng như các ban, ngành về vấn đề này mà không có ý kiến gì khác.

Trường THPT Nguyễn Trãi (dân lập) hiện nay có sức chứa 1.400 (công suất thiết kế 1.800) học sinh trong khi mới chỉ có 400 học sinh đang học.

Được biết, nhiều người dân và cán bộ đã hiểu sau khi di chuyển về địa điểm mới, Trường THPT Tiên Yên vẫn giữ nguyên tên và các chế độ quản lý, vận hành của một trường công lập. Các phụ huynh và học sinh đã lắng nghe, thấu hiểu từ chính quyền để tiếp tục yên tâm cho con em đến trường vào năm học mới đầy hứa hẹn.

Ngành giáo dục nước ta hiện nay đang chiếm 52% biên chế sự nghiệp của cả nước (1,2 triệu người trong tổng số 2,3 triệu), chiếm 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp và đã dùng tới 80% ngân sách nhà nước phân để trả lương.

Trước tình hình đó, để tiết giảm chi tiêu ngân sách không cần thiết, tỉnh Quảng Ninh đã có đề án di chuyển Trường THPT Tiên Yên sang Trường THPT Nguyễn Trãi (cách đó 300m) với mô hình thuê lại cơ sở vật chất, hạ tầng của trường ngoài công lập. Bằng cách này, ít nhất tỉnh Quảng Ninh đã tiết kiệm khoảng 80 tỷ đồng nếu đầu tư xây dựng mới Trường THPT Tiên Yên đang xuống cấp nghiêm trọng vì xây dựng từ những năm 1970.

Trường THPT Tiên Yên (công lập) được xây dựng từ những năm 1970 nay đã xuống cấp nếu di chuyển thay vì xây lại thì sẽ lãng phí gần trăm tỷ đồng…

Giả thiết, thầy trò Trường THPT Tiên Yên “chịu khó” sử dụng ngôi trường cũ rích thì mỗi năm Nhà nước vẫn phải rót khoảng trên 1 tỷ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất đã quá tồi tàn. Nếu Nhà nước thuê lại một phần của Trường Nguyễn Trãi thì mỗi năm chỉ phải trả hơn 2 tỷ đồng (năm đầu trả 1,7 tỷ đồng) trong 30 năm. Làm như vậy vừa tiết kiệm ngân sách vừa đỡ lãng phí cho xã hội.

Được biết, trước kia UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép Cty TNHH MTV Hợp Tiến đầu tư xây dựng Trường THPT Nguyễn Trãi (ngoài công lập) tại một địa điểm gần Trường THPT Tiên Yên khoảng 300m. Trường này đầu tư vốn xây dựng đến nay gần 100 tỷ đồng với quy mô khá đồng bộ và hiện đại bao gồm hệ thống phòng học, thực hành, nhà ăn, ký túc xá, sân thể thao, sân cỏ nhân tạo… Công suất 1.800 học sinh; hiện tại công suất là 1.400 học sinh (mới có 400 học sinh). Như vậy, nếu chuyển Trường THPT Tiên Yên sang thì có tổng khoảng 1.000 học sinh (vẫn trống 400 học sinh).

Phòng học hiện đại khang trang cho Nhà nước thuê lại với giá rất rẻ của Trường Nguyễn Trãi - Tại sao không?

Như vậy, ai cũng có thể hiểu được rằng việc thuê lại một phần diện tích và cơ sở vật chất của Trường THPT Nguyễn Trãi thì toàn bộ số cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của Trường THPT Tiên Yên vẫn hưởng theo quy chế của một trường công lập. Không như một số người tưởng nhầm hoặc lo ngại rằng đây là hình thức sát nhập trường công lập vào dân lập hoặc tương lai trường dân lập sẽ “thôn tính” trường công lập. Nên hiểu rằng, luật vẫn là luật và tất cả mọi cá nhân, tổ chức đều phải thượng tôn pháp luật khi Nhà nước không có chủ trương này.

Một tính toán kinh tế khác được đặt ra, nếu Nhà nước chuyển Trường THPT Tiên Yên thay vì đầu tư xây mới thì sẽ tiết kiệm khoảng 80 tỷ đồng. Và giả thiết số tiền bỏ ra xây dựng từ những năm 2008 đến nay gần 100 tỷ của Cty TNHH MTV Hợp Tiến nay cho Nhà nước thuê 60% hạng mục đầu tư tương đương khoảng 600 triệu đồng với đơn giá hơn 2 tỷ/năm là một đơn giá cực kỳ rẻ chưa bằng lãi suất đi vay ngân hàng, nếu không muốn nói tính kỹ doanh nghiệp có thể chỉ hòa vốn. Nhưng dù sao cũng tốt hơn là để lãng phí cơ sở vật chất. Bản chất của bất kỳ sự lãng phí nào ít nhiều xã hội đều thiệt thòi nhất là sự lãng phí của doanh nghiệp vì nó đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP của đất nước.

Sân chơi bóng rộng rãi có phủ cỏ nhân tạo thể hiện một ngôi trường đẳng cấp mà chưa có vùng nông thôn miền núi nào sánh được như Trường Nguyễn Trãi.

Mặt khác, hiện nay dân số của huyện Tiên Yên khoảng 54.000 người, đây là vùng nông thôn miền núi của Quảng Ninh nằm gần các thành phố, đô thị phát triển nên sẽ có sự dịch chuyển dân số sang các khu đô thị, công nghiệp cùng với tính ổn định dần của sự phát triển dân số dẫn đến mỗi năm số lớp trong các trường tiểu học, trung học tại các vùng nông thôn giảm dần (một số huyện vùng nông thôn mỗi năm giảm khoảng trên dưới chục lớp học).

Trường Nguyễn Trãi có cả khu ký túc xá và nhà ăn thuận tiện.

Chính vì thế, mới đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có Văn bản số 3712/BGDĐT-CSVC hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018, nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, tại một số địa phương còn có những khó khăn, bất cập, dẫn đến việc triển khai thiếu đồng bộ, gây lãng phí và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đang khẩn trương rà soát, tổ chức lại các trường từ THPT trở xuống thuộc công lập và dân lập sao cho phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và thực tiễn hiện nay. Công tác này đang thực hiện tích cực ít nhất là ở huyện Tiên Yên để rút kinh nghiệm áp dụng cho toàn tỉnh.

Văn Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/quang-ninh-di-chuyen-truong-thpt-tien-yen-mo-hinh-ich-nuoc-loi-dan.html