Quảng Ninh: diễn đàn liên kết thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh
Ngày 12/12, tại tỉnh Quảng Ninh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông với chủ đề 'Liên kết thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh'.
Trên cơ sở Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông do VCCI ký kết với 4 tỉnh, thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và tiếp nối thành công của Diễn đàn Liên kết phát triển khu công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông được tổ chức vào năm 2023, chiều 12/12, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng kết nối kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông, Ban Pháp chế VCCI, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn KCN trục cao tốc phía Đông.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công Chủ tịch VCCI cho biết, trong 2 năm qua, nhiều hoạt động hợp tác giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực vào công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của 4 tỉnh, thành phố.
Trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, mỗi địa phương đã bước đầu tận dụng được tiềm năng, thế mạnh của mình, đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng để tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn, góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, thu hút được nguồn lực đầu tư, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, diễn đàn hôm nay là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các KCN trục cao tốc phía Đông. Qua đó, mở cơ hội để các KCN kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi, góp phần thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh giữa Việt Nam với các quốc gia sản xuất như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc...
Về lâu dài, cần hình thành phát triển các KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, các doanh nghiệp sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao, xanh thông minh; để hình thành chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất đối với lĩnh vực công nghệ cao, từ khâu nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, chế tạo, các Vender, dịch vụ Logistics,... đảm bảo nguồn cung cấp sản phẩm và dịch vụ đáng tin cậy, ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ và hàm lượng giá trị tri thức cao.
Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thông tin, đến nay, TP Hải Phòng đã thu hút hơn 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn là 32,5 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến tại các khu công nghiệp và khu kinh tế.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng có sự tăng trưởng vượt bậc, bình quân thu hút được 3,6 tỷ USD/năm, luôn nằm trong top đầu về thu hút đầu tư nước ngoài của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 33,25 tỷ USD, sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 190 triệu tấn.
Nhằm phát huy những lợi thế của các địa phương, để khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía đông có thể đi trước đón đầu dòng vốn dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia trong thời gian tới, TP Hải Phòng đề xuất, kiến nghị với VCCI cần tập trung đầu tư mạnh mẽ cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống vận tải đa phương thức, tăng chất lượng dịch vụ Logistics; chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; thúc đẩy hình thành trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới, sáng tạo trong khu vực liên kết kinh tế trục cao tốc phía Đông, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, ngay từ đầu năm 2023, tỉnh Hải Dương đã tích cực phối hợp với VCCI tổ chức các hoạt động nằm trong chương trình hành động kết nối trục kinh tế phía Đông như tập huấn kỹ năng vận động chính sách và pháp luật trong tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới; tổ chức hội nghị đối thoại “Tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới”.
Từ đầu năm 2024 đến nay, thu hút đầu tư FDI vào các KCN ở Hải Dương đạt 680 triệu USD và DDI đạt 4.507 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư ước quy đổi khoảng 865 triệu USD). Hiện, tỉnh Hải Dương có 17/24 KCN đã được thành lập với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.738 ha; trong đó, có 12 KCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác kinh doanh, các KCN còn lại đang triển khai GPMB, sớm thi công hạ tầng để thu hút đầu tư.
Các dự án đầu tư trong KCN chủ yếu là dự án FDI thuộc các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (Đài Loan, Hồng Kông), Anh... với công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường; đặc biệt các dự án FDI trong KCN đã tạo sức kéo, điều kiện tốt cho các dự án DDI tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ năng quản trị hiện đại.
Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc phát triển các cơ sở công nghiệp tập trung, có sự hợp tác, gắn kết tương hỗ trong một không gian đủ gần, có liên kết hiệu quả cả về hạ tầng cứng và mềm đã và đang có ý nghĩa quan trọng.