Quảng Ninh: Đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm
Sáng 27/4, huyện Quảng Ninh tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm tại thôn Văn La, xã Lương Ninh. Dự lễ có đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Danh tướng Hoàng Kế Viêm (tên thật là Hoàng Tá Viêm), tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, sinh ngày 21/7/1820 quê ở làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh (nay thuộc xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh).
Năm 1843, sau khi thi đỗ cử nhân, ông được bổ nhiệm chức Tư vụ, hàm Quang lộc tự khanh và được vua Minh Mạng thương quý gả người con gái thứ 5 cho làm vợ. Phò giúp qua 3 đời vua, Hoàng Kế Viêm có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và trị nước, an dân.
Danh tướng Hoàng Kế Viêm là một nhân vật lịch sử đặc biệt, sống gần trọn thế kỷ XIX-những năm tháng đầy bi hùng và đau thương của dân tộc.
Danh tướng có 24 năm làm văn quan, 19 năm làm võ tướng, khi về hưu ông sống tại quê nhà ở làng Văn La cho đến khi qua đời vào năm 1909. Nhớ ơn ông, dân làng đã lập đền thờ và xây lăng mộ.
Di tích Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm là một nguồn tư liệu quan trọng để thế hệ sau hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của ông, về thời kỳ chống Pháp bảo vệ độc lập dân tộc của nhân dân ta nửa sau thế kỷ XIX, đầu kỷ XX.
Ghi nhận và khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích, ngày 24/2/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 396 về việc xếp hạng cấp Quốc gia đối với Di tích Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong nhấn mạnh, tên tuổi của danh tướng Hoàng Kế Viêm là biểu tượng đẹp về tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập tự do, ý chí tự cường và tinh thần đấu tranh thoát khỏi ách đô hộ. Cuộc đời của ông, để lại nhiều bài học quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.
Di tích Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, không chỉ là sự tôn vinh danh nhân, danh tướng và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, của dòng họ Hoàng.
Để tiếp tục phát huy giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các tầng lớp nhân dân, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị địa phương cần xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan; thực hiện nghiêm các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần thượng võ của cha ông đi trước.
Đồng chí cũng mong muốn, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các nhà khoa học tiếp tục quan tâm và đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa để giúp đỡ huyện Quảng Ninh thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm xứng tầm với vị thế của một di sản cấp quốc gia; quản lý khai thác khoa học và hiệu quả kho tàng di sản, coi đó là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.