Quảng Ninh: Dự án khu đô thị đại học treo đến bao giờ?
Dự án được triển khai và quy hoạch kéo dài nhiều năm mà không triển khai đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Do nằm trong quy hoạch của dự án khu đô thị Đại học Hạ Long, gần chục năm nay, nhiều gia đình ở phường Nam Khê, TP Uông Bí (Quảng Ninh) phải sinh hoạt trong điều kiện nhà cửa xuống cấp mà không được xây, sửa; giao thông đi lại khó khăn.
Đi cũng dở, ở không xong
Những ngày cuối tháng 9, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt ở khu Nam Tân, phường Nam Khê, TP Uông Bí chứng kiến cảnh nhiều hộ gia đình phải sinh hoạt trong cảnh nhà cửa cũ nát, chật hẹp dù đã có khả năng xây nhà.
Cúi người bước ra khỏi căn nhà cấp 4 thấp lè tè, bà Nguyễn Thị Lan ở tổ 6, khu Nam Tân cho biết, vì không có điều kiện, nên năm 2006, gia đình bà làm căn nhà cấp 4 để ở tạm với ý định dành dụm tiền sẽ xây nhà to hơn.
Nhưng đến khi dành dụm đủ tiền, muốn làm căn nhà mới cho rộng rãi thì cán bộ phường không cho xây với lý do khu vực này nằm trong quy hoạch.
“Nhà có 5 người ở trong căn nhà bé, thấp thế này, các con đều đến tuổi dựng vợ, gả chồng, nhưng không có phòng ở riêng. Tôi làm đơn lên phường đề nghị cho cơi nới thêm vài gian nhỏ để các con ở riêng cũng không được. Không những thế, do nằm trong quy hoạch, nên đường, rãnh nước trong khu dân cư cũng tạm bợ, cứ mưa là nước không thoát kịp, cuốn rác, bùn tràn vào sân, vào nhà”, bà Lan than thở.
Quan sát của PV, tại khu Nam Tân có nhiều căn nhà mục nát, sập đổ và bị bỏ hoang. Tuyến đường trong khu dân cư nhỏ chỉ đủ 1 xe ô tô con đi qua, nên mỗi khi lưu thông vào khu dân cư, tài xế ô tô phải bấm còi inh ỏi để nếu phía trước có xe ngược chiều còn biết cách tìm chỗ tránh.
Anh Trần Văn Quỳnh, một người dân sống trong khu vực cho hay: “Nhà thấp lại xuống cấp, nhưng vào quy hoạch rồi, mà lại quy hoạch treo nhiều năm, nên bán không được, sửa không xong, khổ lắm”.
Điệp khúc… chờ
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Xuân Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Nam Khê cho hay, đến thời điểm này, qua rà soát, kiểm tra thì chưa tìm thấy tài liệu cụ thể về quy hoạch dự án khu đô thị Đại học Hạ Long.
Theo ông Thành, dự án đô thị Đại học Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt với diện tích 59ha gần chục năm trước. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép các đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu mở rộng quy hoạch lên 111,13ha.
Đáng nói, phần nghiên cứu mở rộng dự án lại nằm trong dự án Khu đô thị mới Chạp Khê do Công ty TNHH Tập đoàn Xuân Lãm làm chủ đầu tư trước đây.
Tuy nhiên, do không đủ năng lực tài chính cũng như những vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản... nên UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát, tham mưu đề xuất xem xét, quyết định thu hồi, hủy bỏ quy hoạch đối với doanh nghiệp nêu trên…
Như vậy, trong khi chờ cấp có thẩm quyền của tỉnh Quảng Ninh xem xét, quyết định thu hồi, hủy bỏ quy hoạch và nghiên cứu Dự án khu đô thị Đại học Hạ Long mở rộng thì người dân nằm trong quy hoạch dự án này lại tiếp tục giữ nguyên trạng nhà cửa và... chờ đợi.
Theo ông Thành, dự án được triển khai và quy hoạch kéo dài nhiều năm nay mà không triển khai đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đặc biệt là nhiều dự án về hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế khác, chính quyền xã muốn đầu tư mà không thực hiện được.
“Xã và bà con trong vùng quy hoạch từ lâu đã phải kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt quy hoạch dự án, phân rõ ranh giới quy hoạch để bà còn con xây, sửa nhà cửa, công trình và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đối với những hộ nằm trong quy hoạch thì cần sớm kiểm đếm, đền bù để họ có điều kiện chuyển đi nơi khác ổn định cuộc sống”, ông Thành kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Văn Quyến, công chức Địa chính - Xây dựng phường Nam Khê, hơn 30 hộ dân tại khu vực này ở đây từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, do vướng vào quy hoạch, nên không ai được xây, sửa, chuyển nhượng...
“Hơn năm trước, thấy gia đình chị Phạm Thị Mai Phương sinh sống trong căn hộ sắp sập, địa phương đã phải kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép làm căn nhà tạm bên cạnh.
Đây là hộ đầu tiên, duy nhất trong vùng quy hoạch khu đô thị được phép làm nhà tạm và phải cam kết sau này không được tính đền bù nếu dự án được triển khai”, ông Quyến nói.