Quảng Ninh gấp rút chống bão số 3
Sáng 7/9, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h. Sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Tỉnh Quảng Ninh gấp rút thực hiện các phương án phòng chống.
Bão tiến sát Cô Tô, gây gió mạnh và mưa lớn
Trước đó, thực hiện công tác phòng, chống bão, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn; phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 3. Các địa phương đã phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương.
Các địa phương và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai gồm: 64.290m2 vải bạt chống sóng; 13.828m3 đá hộc; 240.883 chiếc bao tải; 3.608 chiếc rọ thép; 4.961 kg dây thép; 5.550 m2 vải lọc… Các loại vật tư trên được bảo quản trong kho và tập kết tại những vị trí xung yếu trên các tuyến đê.
Tại xã An Sinh có 2 hồ đập lớn là đập Khe Chè và đập Trại Lốc; có dòng suối chảy từ địa phận cuối Bắc Giang sang theo tỉnh lộ 345. Toàn xã có 12 tràn, có nguy cơ ngập úng. Tại xã An Sinh, Đông Triều, có 43/48 hộ nằm trong vùng nguy hiểm được di dời đến nhà văn hóa xã và ở nhờ nhà người thân. Xã đã cử lực lượng chức năng bảo vệ 2 bên đầu tràn, không cho người dân di chuyển qua khi có mưa lớn, ngập úng.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 43/48 hộ được di dời đến nơi an toàn. 5 hộ còn lại thuộc diện nhà xuống cấp, đang được các lực lượng chức năng của xã vận động di dời đến nhà người thân. Công tác phòng, chống bão vẫn đang được tích cực triển khai.
Tập trung phòng chống sạt lở những vị trí xung yếu bãi thải và chống ngập úng ở các mỏ
Tại khu vực Cẩm Phả, trên khai trường các mỏ lộ thiên như: Công ty CP Than Cao Sơn, Công ty CP Thao Đèo Nai- Cọc Sáu đang phải đối phó với các đợt mưa to và gió lớn.
Tại Công ty CP Than Thao Đèo Nai - Cọc Sáu - TKV cả 2 khai trường Đèo Nai và Cọc 6 phải tạm dừng 8 hệ thống bơm để bảo đảm an toàn. Đơn vị đang tập trung tối đa thiết bị xe gạt và máy xúc thủy lực thường trực phòng chống mưa bão ở các vị trí trên khai trường và trọng tâm ở các khu vực xung yếu, phối hợp cùng các đơn vị giáp ranh và các phường.
Hiện nay, mực nước moong Đèo Nai ở mức -209 mét, khối lượng nước hơn 1,45 triệu m³; moong Cọc Sáu -258,8 mét, khối lượng nước 858.000m³. Mưa lớn khiến mực nước chảy về khu vực moong than ở hai khai trường đều dâng cao hơn. So với 6h sáng nay, lượng nước chảy về cả hai moong dâng cao từ 40-60cm.
Trước diễn biến của bão số 3, hiện nay, Tập đoàn đang yêu cầu các đơn vị sản xuất than lộ thiên và hầm lò tổ chức trực chỉ huy. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các đơn vị sản xuất than hiện nay tập trung phòng chống sạt lở những vị trí xung yếu bãi thải và chống ngập úng ở các mỏ.
Đến thời điểm 8 giờ 30, trên địa bàn TP Móng Cái có gió cấp 6 giật trên cấp 7, trời bắt đầu đổ mưa lớn, toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh đã tạm dừng; các cửa khẩu Bắc Luân I, Bắc Luân II và Lối mở Km3+4 Hải Yên tạm thời dừng hoạt động, các đơn vị đang duy trì trực chiến đấu nhằm đảm bảo an toàn cơ sở vật chất, an ninh cửa khẩu; đã có tổng số hơn 40 cây xanh đổ gẫy, một số biển quảng cáo bị rách, tuy nhiên chưa có thiệt hại nặng.
Các cấp chính quyền thành phố đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện hỗ trợ, cung cấp nhu yếu phẩm cho hơn 2.000 người dân sinh sống trong nhà yếu, thiếu kiên cố, ngư dân đang tạm trú tránh bão tại các trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa, trường học... địa bàn cơ bản ổn định.
Do ảnh hưởng của bão số 3 từ đêm ngày 6/7 đến rạng sáng 7/9 huyện Tiên Yên có gió mạnh và kèm mưa to, huyện Tiên Yên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Tính đến 7 giờ 00 ngày 7/9, huyện Tiên Yên đã kêu gọi 524 phương tiện tàu thuyền về nơi trú bão an toàn. Đã thông báo, liên lạc được với 18 hộ nuôi lồng bè trên biển và hướng dẫn các hộ gia cố lồng bè, di chuyển về nơi tránh trú an toàn. Tổ chức di dời 185 hộ có nhà yếu và có nguy cơ sạt lở tại các xã, thị trấn.
Huyện đã chỉ đạo chuẩn bị các lực lượng, trang thiết bị canh gác, cảnh báo, cấm nhân dân không qua các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông qua suối nếu bão đổ bộ và xảy ra mưa, lũ. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa nước trong tình huống mưa kéo dài. Hiệp đồng sẵn sàng các phương án chuẩn bị về lực lượng, phương tiện, thực hiện theo phương châm “3 trước - 4 tại chỗ” khi có các tình huống xảy ra.
Huyện Tiên Yên sẽ tiếp tục theo dõi thông tin về cơn bão, trực ban 24/24h, kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống bão.
Đến sáng ngày 7/9 TP Uông Bí chưa có thiệt hại
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn TP Uông Bí có gió cấp 3, cấp 4 và mưa nhỏ rải rác. Đến 8h sáng ngày 7/9 chưa có thiệt hại. Cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc và hệ thống điện vẫn đảm bảo; các công trình hồ đập, đê điều, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật vẫn đảm bảo an toàn.
Sáng ngày 7/9 công nhân Công ty Môi trường và Công trình đô thị Uông Bí tiếp tục chằng buộc, gia cố cây xanh
Trước đó, trong đêm 6/9 và rạng sáng 7/9, các xã phường trên địa bàn hoàn thành việc đưa người dân sống trong các nhà có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão như kết cấu nhà yếu, nhà ven đồi, nhà ở vùng trũng, những hộ gia đình người già, neo đơn... về nơi trú ẩn an toàn.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/quang-ninh-gap-rut-chong-bao-so-3-392361.html