Quảng Ninh: Gỡ khó cho người dân đang vay vốn ngân hàng bị ảnh hưởng của bão số 3
Để kịp thời ổn định hoạt động ngân hàng, đồng thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, dự kiến các tổ chức tín dụng tại Quảng Ninh sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Ngành thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề
Theo thống kê sơ bộ đến hết ngày 10/9 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh, có tổng số trên 11.000 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả cơn bão số 3. Trong đó có nhiều khách hàng đang tham gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bị ảnh hưởng rất nặng nề.
Như tại huyện Vân Đồn - địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh, qua thống kê sơ bộ, hầu hết diện tích đang nuôi trồng thủy sản của người dân Vân Đồn bị bão số 3 "xóa sổ", với tổng số 1.338 cơ sở bị thiệt hại. Tổng thiệt hại bước đầu ước tính trong nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, ngành Du lịch của tỉnh Quảng Ninh cũng hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp. Theo thống kê sơ bộ, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ khu vực TP Hạ Long đều bị thiệt hại liên quan đến vỡ kính, ngói mái nhà biệt thự; sức gió mạnh làm sập, hỏng trần, hỏng đồ đạc trong phòng nghỉ, khu vực sảnh đón tiếp, nhà hàng, quầy bar, khu vực phụ trợ.
Theo thống kê, đến hết ngày 10/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh bão số 3 đã khiến 2.237 hộ dân bị ngập lụt, 70.587 nhà bị tốc mái, 98 phương tiện vận tải thủy, 23 tàu du lịch, 41 tàu cá các loại bị chìm, trôi dạt, trên 2.402 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Tỉnh đã mất điện trên diện rộng, kéo theo mất nước do mất điện, thông tin liên lạc gián đoạn…
Để công tác khắc phục sau bão nhanh nhất, với tinh thần khẩn trương, Quảng Ninh đã huy động tổng số gần 9.000 người và hàng trăm phương tiện hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân dân khắc phục bão. Trong đó, đã tìm kiếm và cứu hộ thành công 482 người bị trôi dạt trên biển, trú ẩn, bị kẹt trên các đảo về bờ.
Trong đó, thiệt hại nặng nhất ở địa bàn TP Hạ Long và một số địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô. Một số điểm du lịch trọng điểm tại TP Hạ Long, như: Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sunworld, Khu du lịch Tuần Châu… bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất.
Tại nhiều khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3, như tại KCN Cái Lân (TP.Hạ Long) các công ty như: Công ty TNHH sợi Thế Kỷ Mới Việt Nam, Công ty sản xuất nến cao cấp AIDI, Công ty sản xuất bao bì Ánh Dương, Công ty TNHH Wolfram đều bị thiệt hại ở khu nhà xưởng và văn phòng.
Tại KCN Đông Mai, rất nhiều cây xanh bị đổ, gãy, gây gián đoạn giao thông; cột điện cao thế cấp vào trạm 220kV Đông Mai bị đổ, gãy. Toàn bộ KCN Đông Mai bị mất điện hoàn toàn.
Một số nhà xưởng sản xuất thiết bị điện tử bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị nước tràn vào sàn nhà xưởng (Công ty TNHH kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam nước dột tràn vào tầng 1 và cả sàn tầng 2; Công ty Bumjun Electronics tràn sàn tầng 1). Nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống máy móc và nguyên liệu sản xuất.
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Để kịp thời ổn định hoạt động ngân hàng, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Quảng Ninh với các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn để thảo luận, thống nhất phương án tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng đang vay vốn bị ảnh hưởng của cơn bão số 3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chia sẻ khó khăn, mất mát đối với tỉnh Quảng Ninh và có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với khách hàng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi bão số 3, đồng thời, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại do cơn bão số 3.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại và nghiên cứu việc tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành và thực hiện xử lý nợ, xử lý rủi ro theo các quy định hiện hành đối với khách hàng thiệt hại nặng, mất khả năng chi trả…
Ngoài ra, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng, Thống đốc NHNN và Chủ tịch các ngân hàng thương mại để hỗ trợ các khách hàng chịu thiệt hại của cơn bão số 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn người dân giãn, hoãn lại các khoản nợ. Các địa phương phối hợp với các ngân hàng để thực hiện thống kê, rà soát cụ thể, đầy đủ, chi tiết các hộ dân ảnh hưởng; trực tiếp mời các hộ dân đến để chia sẻ và tổ chức hỗ trợ ngay.
Dự kiến, tỉnh Quảng Ninh sẽ có chính sách riêng có, bao trùm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, tập trung vào các lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản; nông, lâm nghiệp; các hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch thương mại; các hộ liên quan đến sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đảm bảo các quy định hiện hành.