Quảng Ninh: Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Các chương trình tín dụng chính sách tại tỉnh Quảng Ninh đã và đang giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

“Chìa khóa” giảm nghèo hiệu quả nhất

Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm dành nguồn lực rất lớn chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có để bố trí nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Từ năm 2023 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ủy thác trên 25 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh để triển khai các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Cùng với nguồn lực từ ngân sách tỉnh, các địa phương cũng chủ động bố trí nguồn vốn để triển khai cho vay hộ cận nghèo, hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình tại Quảng Ninh đã có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ gia đình tại Quảng Ninh đã có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định.

Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 279 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền là gần 21 tỷ đồng. Nguồn vốn được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, thủ tục đơn giản đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng dự thảo quy định điều kiện, nội dung, mức cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ủy thác qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn chi nhánh Quảng Ninh thuộc nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Dự thảo quy định cụ thể điều kiện được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, nội dung hỗ trợ cho vay, hạn mức, mức lãi suất, thời hạn cho vay và điều kiện đảm bảo tiền vay đối với việc vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định sinh kế, vay vốn đầu tư sản xuất phát triển các sản phẩm thuộc chương trình OCOP, vay vốn duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống.

Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, ban hành quyết định thực hiện. Từ đó, giúp người dân có thêm nguồn vốn để triển khai các mô hình sản xuất, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Ổn định đời sống người dân vùng sâu, vùng xa

Như tại đảo Trần, huyện Cô Tô, để khuyến khích các hộ dân ra sinh sống lâu dài, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2177/2013/QĐ-UBND, theo đó, người dân được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn để phát triển sản xuất ngư nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Cụ thể, người dân khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh để sửa chữa tàu, thuyền, mua ngư lưới cụ, làm dịch vụ hậu cần nghề cá được vay tối đa 60 triệu đồng với 100% lãi suất được hỗ trợ; được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh theo tất cả các chương trình đang áp dụng cho người nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ 70% lãi suất khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để đóng mới, cải hoán tàu, đầu tư nuôi cá lồng bè.

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương; không còn nhà tạm, nhà ở dột nát; không còn xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đạt 73,348 triệu đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước, cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân vùng dân tộc thiểu số.

Tính đến nay, 12/12 hộ dân trên đảo đã được vay vốn tín dụng chính sách chương trình cho vay giải quyết việc làm và hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh với tổng dư nợ trên 1,7 tỷ đồng. Bằng số vốn được vay, người dân trên đảo chủ yếu đầu tư kinh doanh dịch vụ, sửa chữa tàu thuyền, phát triển ngư nghiệp… tạo việc làm ổn định, sinh kế bền vững, đảm bảo cuộc sống, yên tâm bám đảo.

Hay như tại xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh), đây từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, nhưng đến nay cuộc sống của người dân nơi đây đã có sự đổi thay rõ rệt, đường, điện khang trang, nhiều ngôi nhà cao tầng đã mọc lên.

Cây hồi là cây giúp thoát nghèo của bà con vùng dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Cây hồi là cây giúp thoát nghèo của bà con vùng dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Triệu Quý Bảo - một người dân ở thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc chia sẻ: Nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn chủ yếu từ rừng, trong đó, gia đình tôi có 8ha rừng trồng quế, keo... Được Nhà nước cho vay vốn để phát triển rừng, người dân mới có thu nhập, có của ăn của để. Có đường giao thông thuận lợi, giờ lại có vốn làm ăn, người dân trong thôn đua nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, xây dựng nhà cửa khang trang.

Như vậy, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã lan tỏa khắp mọi vùng miền của tỉnh Quảng Ninh, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo từng bước thay đổi tư duy về cách thức làm ăn, phát triển kinh tế, mô hình sản xuất.

Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-hieu-qua-tu-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-152414.html