Quảng Ninh: Kinh tế tập thể nở rộ, HTX đóng vai trò nòng cốt xây dựng nông thôn mới

Hội Nông dân (HND) tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cách làm linh hoạt, thiết thực nhằm khuyến khích các hộ nông dân chủ động liên kết thành các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX); đẩy mạnh sản xuất theo hướng phát triển kinh tế tập thể.

Trồng hoa tại HTX Rau, hoa Đồng Chè tại thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. (Nguồn: BQN)

Thay đổi nhận thức người dân

Thời gian qua, mô hình HTX tại Quảng Ninh có sự phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng. HND các cấp trong tỉnh đã bám sát chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, tỉnh để triển khai vận động, hỗ trợ các hội viên, nông dân phát triển từ kinh tế hộ, tổ hợp tác tiến đến liên kết sản xuất, thành lập HTX. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 528 HTX, trong đó có nhiều tổ hợp tác, HTX trở thành đơn vị tiêu biểu của địa phương như: HTX Hải Yến (Vân Đồn); HTX Vạn Thành Phát ở Móng Cái; Tổ hợp tác nuôi ong lấy mật ở Ba Chẽ, CLB Hàu sữa Vân Đồn…

Để lĩnh vực kinh tế tập thể của tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, năm 2019, UBND tỉnh đã hỗ trợ cho 5 HTX, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ cung ứng với tổng kinh phí là 500 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ cho trên 25 HTX tham gia gian hàng tại các hội chợ, tổng kinh phí hỗ trợ cho HTX là 2 tỷ đồng/năm.

HND tỉnh cũng đã chủ động tổ chức 15 khóa tập huấn kiến thức về quản lý HTX cho 425 hội viên nông dân là lãnh đạo, thành viên các HTX. Hội còn phối hợp Liên minh HTX tỉnh xây dựng bộ tài liệu tư vấn lộ trình thành lập HTX theo Luật HTX năm 2012; phối hợp với tổ chức phát triển dự án trong và ngoài nước để làm động lực cho các HTX mở rộng quy mô cũng như khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng sản xuất, quản trị, quảng bá...

Bên cạnh đó, HND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn HND cấp huyện thành lập câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX do HND quản lý hoặc bảo trợ hoạt động gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó, tập hợp các hội viên có quy mô sản xuất lớn, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất làm nòng cốt phát triển các mô hình tại địa phương.

Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cũng tích cực tham gia tư vấn, hướng dẫn các HTX thành lập và phát triển. Cụ thể như Sở Công Thương đã hỗ trợ chắp mối đưa sản phẩm của HTX vào tiêu thụ tại 29 trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh; kết nối được 17 sản phẩm vào tiêu thụ tại Chi nhánh Công ty CP EB Hải Phòng tại Hạ Long, hệ thống siêu thị Vinmart...

Đặc biệt, HND đã phối hợp với Tổ chức phát triển SNV Agriterra (Hà Lan) triển khai dự án “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX, tổ hợp tác” ở HTX Vải chín sớm Phương Nam Uông Bí; Hội Thanh long Uông Bí; Hội Na dai Đông Triều với các hoạt động như: tư vấn xây dựng thành lập HTX; quản trị HTX, đào tạo kiến thức về quản lý tài chính...

Việc đa dạng hóa hoạt động đã giúp các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khắc phục được tình trạng thiếu năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đầu ra và huy động được nhiều nguồn lực trong các hội viên. Song song với đó, những chính sách thiết thực của tỉnh nói chung và HND tỉnh nói riêng đã góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận nông dân, giúp nông dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn, công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi ong lấy mật ở Ba Chẽ, Quảng Ninh. (Nguồn: BQN)

Khẳng định vai trò nòng cốt

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, HTX tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Một số HTX vẫn trong tình trạng yếu kém kéo dài; đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật, nghiệp vụ của HTX hiện còn yếu; khó khăn trong xác định tính minh bạch và lành mạnh về tình hình tài chính của HTX hay một số cán bộ các HTX hiện nay làm kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn hạn chế.

Ngoài ra, vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa thực sự hiệu quả, khâu tiêu thụ sản phẩm chủ yếu bị động, đôi khi bị tư thương ép giá; các HTX chưa thực sự sản xuất kinh doanh theo kế hoạch.

Trước thực trạng đó, các cấp HND cần phải đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng phong trào. Bên cạnh đó, HND cần tập trung nâng cao kỹ năng tổ chức phong trào, cập nhật thông tin và trình độ quản lý SXKD, điều hành hoạt động các câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX... cho đội ngũ cán bộ HND.

Ngoài ra, HND phải có chính sách hỗ trợ nông dân, đặc biệt là các chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, HTX tiếp cận với khoa học kỹ thuật và công tác quản lý sản xuất, kinh doanh; tham gia xây dựng thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tín chấp cho nông dân vay vốn thông qua các tổ vay vốn do HND thành lập và quản lý. Từ đó, tạo động lực cho nông dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tiến tới liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX trong tương lai.

Mặc dù vẫn còn có những khó khăn, nhưng nhìn chung, các HTX tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì hoạt động ổn định, xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn với khẳng định thương hiệu cho sản phẩm. Nhờ đó, từ đầu năm 2019 đến nay toàn tỉnh đã thành lập 54 HTX mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, giải quyết việc làm ổn định cho hộ nông dân và khẳng định vai trò nòng cốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quang-ninh-kinh-te-tap-the-no-ro-htx-dong-vai-tro-nong-cot-xay-dung-nong-thon-moi-104709.html