Quảng Ninh: Kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới
Tối 14/12, tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới (1994-2024).
Hành trình 30 năm bảo tồn và phát huy Di sản
Dự Lễ kỷ niệm có ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Vishal Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới kỳ họp 46. Lễ kỷ niệm còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; Ban quản lý các khu Di sản thế giới tại Việt Nam; các vị đại sứ; đại biểu các tổ chức quốc tế.
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại chặng đường 30 năm quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của vịnh Hạ Long. Đồng thời, tiếp tục tôn vinh và lan tỏa các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản.
"30 năm qua, Quảng Ninh luôn ý thức với trách nhiệm cao nhất, bằng nhiều giải pháp hiệu quả để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị của Di sản thế giới, thực hiện đầy đủ, đúng với Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản của nhân loại", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.
Năm 1995, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Ban Quản lý vịnh Hạ Long là cơ quan chuyên trách quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách, quy định về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tâm về: Bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý Di sản, quản lý môi trường kinh doanh du lịch và phát triển sản phẩm du lịch... Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, giữ gìn Di sản được chú trọng và tăng cường.
Nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá được triển khai nhằm bảo tồn nguyên vẹn các giá trị Di sản, như: Cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa trên vịnh Hạ Long; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi vùng đệm Di sản; thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng để bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái của vịnh Hạ Long;...
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã dành nguồn lực tôn tạo, đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan tới vịnh như hệ thống cảng tàu khách tiêu chuẩn quốc tế; các công trình kiến trúc nổi bật;...
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Đến nay sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long giờ đã có một diện mạo mới, các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản được bảo tồn nguyên vẹn; các tiềm năng thế mạnh được phát huy. Bộ máy, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ Di sản từng bước được củng cố, hoàn thiện tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long một cách toàn diện, bền vững.
Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới. Từ năm 1996 đến nay đã có trên 57 triệu lượt khách tham quan vịnh Hạ Long, thu phí tham quan đạt trên 8.600 tỷ đồng. Qua đó, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Gia tăng giá trị kinh tế của Di sản
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương bày tỏ ghi nhận và đánh giá cao những thành tích, nỗ lực trong quản lý, bảo tồn và phát huy Di sản vịnh Hạ Long mà tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong 30 năm qua.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, áp lực từ phát triển kinh tế, đặc biệt áp lực từ sự gia tăng du lịch, việc bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và đoàn kết.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị, Quảng Ninh cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo, đánh giá, nhận diện đúng tình hình, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những thách thức trong quản lý. Đồng thời, chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để tiếp tục có những quyết sách và hành động phù hợp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản.
Nhấn mạnh về việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương gợi mở: Quảng Ninh cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế của Di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao; lấy bảo tồn các giá trị của Di sản làm nền tảng, làm động lực phát triển; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.
Cùng với đó, phát huy vai trò, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương nơi có di sản, giúp người dân vừa tham gia bảo tồn Di sản, vừa được hưởng lợi từ Di sản...
"Sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng địa phương, chính quyền các cấp và các tổ chức quốc tế đã đảm bảo rằng công tác bảo tồn Di sản luôn là trọng tâm trong các chiến lược phát triển. Câu chuyện thành công này là hình mẫu cho các Di sản thế giới khác đang đối mặt với những thách thức tương tự", Đại sứ Vishal Sharma nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, các đại biểu cũng đã cùng thưởng thức Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới, gồm 3 chương: Vịnh Hạ Long - Vẻ đẹp huyền thoại, nơi hội tụ những giá trị ngoại hạng; Bừng sáng sắc màu di sản; Hạ Long - Vươn tầm tỏa sáng tương lai. Các tiết mục được đầu tư dàn dựng công phu, khắc họa vẻ đẹp của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Cách đây 30 năm, vào ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh là Di sản thiên nhiên thế giới và là Di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. 6 năm sau (năm 2000), vịnh Hạ Long tiếp tục được vinh danh về giá trị địa chất - địa mạo. Đến năm 2023, Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt mở rộng ranh giới Di sản vịnh Hạ Long bao gồm cả quần đảo Cát Bà của TP Hải Phòng, trở thành Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà và là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.