Từ tháng 1-2025: Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cần thiết
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cảnh vệ 2024 có hiệu lực từ đầu năm 2025 đã bổ sung đối tượng cảnh vệ, thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cần thiết…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã sửa đổi, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam; khu vực trọng yếu; sự kiện đặc biệt quan trọng và đối tượng khác được áp dụng biện pháp, chế độ, cảnh vệ theo quy định của Luật này.
Bên cạnh đó, Luật này đã bổ sung thêm 1 khoản tại Điều 6 quy định về chính sách đối với lực lượng Cảnh vệ và công tác cảnh vệ; giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 6 về: “Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ".
Luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là con người, gồm Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bổ sung đối tượng cảnh vệ là khách quốc tế theo đề nghị của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để phù hợp với thực tiễn và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.
Bên cạnh đó, Luật quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng cảnh vệ là các sự kiện đặc biệt quan trọng, thu hẹp phạm vi đối tượng cảnh vệ là sự kiện đặc biệt quan trọng: “Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c hoặc d khoản 1 Điều này tham dự; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 hoặc điểm a khoản 2 Điều này tham dự.”
Đặc biệt, Luật đã bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ để phù hợp với công tác cảnh vệ và đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác cảnh vệ.
Ngoài ra, Luật này tách Điều 12 thành 2 Điều luật, cụ thể: Điều 12 quy định về chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam và Điều 12a quy định về biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam;
Bổ sung quy định cơ sở để áp dụng chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam trên cơ sở “nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại, yêu cầu đối ngoại” để đảm bảo áp dụng thống nhất trên thực tế và phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ.