Quảng Ninh: Luân chuyển giáo viên đến vùng khó, 'người trong cuộc' chia sẻ

Nhiều giáo viên ở Hạ Long (Quảng Ninh) tình nguyện viết đơn lên vùng cao dạy học với mong muốn giúp các em học sinh tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại.

Để kịp thời bố trí, sắp xếp giáo viên chuẩn bị cho năm học 2024-2025 đối với các trường vùng cao, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) đã xem xét, quyết định điều động, luân chuyển 65 giáo viên đi thực hiện nghĩa vụ (23 giáo viên mầm non; 28 giáo viên tiểu học; 14 giáo viên trung học cơ sở).

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long, 100% giáo viên được điều động, luân chuyển năm học 2024-2025 có đơn tình nguyện xin luân chuyển.

Thời hạn luân chuyển giáo viên lên công tác tại vùng cao là 2 năm đối với nữ, 3 năm đối với nam. Sau thời gian này, những giáo viên có nguyện vọng sẽ được bố trí về công tác tại vùng thuận lợi.

 Lãnh đạo thành phố Hạ Long trao quyết định, động viên các thầy cô giáo nhận Quyết định luân chuyển lên vùng cao dạy học (Ảnh: Hồng Hạnh)

Lãnh đạo thành phố Hạ Long trao quyết định, động viên các thầy cô giáo nhận Quyết định luân chuyển lên vùng cao dạy học (Ảnh: Hồng Hạnh)

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long, việc luân chuyển giáo viên từ vùng thuận lợi lên vùng cao dạy học đã tạo những chuyển biến tích cực trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, từng bước kéo gần khoảng cách giáo dục giữa miền núi với miền xuôi.

Để tạo điều kiện cho các thầy cô đi lại thuận tiện hơn khi đến công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa, thành phố đã bố trí xe ô tô đưa đón các thầy cô hàng tuần (vào thứ hai và thứ sáu); giúp các thầy, cô giáo yên tâm công tác, gắn bó với học sinh vùng cao.

Việc luân chuyển giáo viên từ các trường ở vùng thuận lợi lên trường ở vùng cao chính là “làn gió mới”, giúp học sinh có cơ hội được tiếp cận với phương pháp dạy học của giáo viên ở vùng thuận lợi.

Hơn nữa hiện nay, điều kiện kinh tế - xã hội các xã miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực, công tác giáo dục tiếp tục được quan tâm. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ công chức, trẻ em, học sinh được quan tâm, chú trọng.

Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác tại địa bàn các xã Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng, thôn Khe Cát xã Tân Dân, các thầy cô giáo, nhân viên các trường học trên địa bàn các xã này được hưởng hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết 25/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc thường xuyên tại một số địa bàn thuộc tỉnh Quảng Ninh với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng. Đây là sự động viên và hỗ trợ để các thầy cô giáo giảm bớt khó khăn và yên tâm công tác.

Chính vì vậy, từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024, thành phố Hạ Long có 123 thầy, cô giáo thực hiện công tác nghĩa vụ theo quy chế luân chuyển giáo viên.

Năm học 2024-2025, các trường thuộc vùng nghĩa vụ của thành phố có 133 giáo viên, nhân viên đủ thời gian công tác nghĩa vụ và đủ điều kiện luân chuyển về vùng thuận lợi. Trong đó, 69 giáo viên, nhân viên có đơn xin luân chuyển về vùng thuận lợi; 64 giáo viên, nhân viên không có đơn xin luân chuyển về vùng thuận lợi, tình nguyện tiếp tục ở lại công tác ở vùng khó khăn.

Các thầy, cô tình nguyện ở lại một phần vì các chính sách chăm lo đến đời sống giáo viên của thành phố, một phần vì tình cảm gắn bó với mảnh đất, con người vùng cao, vì tình nghĩa thầy trò cao quý.

 Thầy Ngô Minh Huy luôn tìm kiếm các phương pháp dạy học phù hợp giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu và đầy đủ nhất (Ảnh: NVCC)

Thầy Ngô Minh Huy luôn tìm kiếm các phương pháp dạy học phù hợp giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu và đầy đủ nhất (Ảnh: NVCC)

Thầy Ngô Minh Huy là một trong những giáo viên tình nguyện viết đơn xin lên dạy học tại ngôi trường vùng cao của thành phố - Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Lâm.

Thầy Huy chưa lập gia đình, bố mẹ già sống ở Thái Bình. Ở đơn vị mới, thầy nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của ban giám hiệu, đồng nghiệp và học sinh.

Những lời thăm hỏi, động viên trong cuộc sống, những chia sẻ trong công tác của hội đồng sư phạm và đặc biệt là những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên, sự tiến bộ từng ngày của các em học sinh vùng sâu xa đã khiến thầy thêm yêu và gắn bó với mảnh đất nơi này.

Thầy Ngô Minh Huy cho biết: “Dạy học ở vùng khó không thể áp đặt cách dạy của nơi có điều kiện tốt hơn mà phải luôn tìm kiếm các giải pháp truyền đạt sao cho phù hợp để các em tiếp thu được kiến thức dễ dàng.

Tôi luôn ước ao học sinh của mình có được điều kiện học tập tốt hơn để sự học vươn kịp các bạn ở đồng bằng. Nhiều học sinh của tôi rất hiếu học, chịu khó nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên các em không thể tập trung cho việc học mà phải lao động đỡ đần cho cha mẹ.

Chính vì vậy, tôi luôn tìm kiếm các phương pháp dạy học phù hợp giúp học sinh tiếp cận kiến thức một cách dễ hiểu và đầy đủ nhất.

Chính ánh mắt đầy khát khao con chữ của học sinh miền núi là nguồn động viên giúp tôi cùng nhiều giáo viên của trường không tiếc sự hy sinh của mình để mang đến tri thức cho các em”.

 Nhiều giáo viên ở Hạ Long (Quảng Ninh) tình nguyện viết đơn lên vùng cao dạy học với mong muốn giúp các em học sinh tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại (Ảnh: HH)

Nhiều giáo viên ở Hạ Long (Quảng Ninh) tình nguyện viết đơn lên vùng cao dạy học với mong muốn giúp các em học sinh tiếp cận với phương pháp dạy học hiện đại (Ảnh: HH)

Cũng như thầy Huy, cô giáo Nguyễn Thị Lan, hiện công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Lâm chia sẻ: “Bản thân tôi cũng như các giáo viên tăng cường với thời gian dạy học một vài năm thì sự vất vả, khó khăn không thấm vào đâu so với giáo viên đã bám trụ ở đây từ lâu.

Nhiều giáo viên và gia đình của họ đã ở lại trường hơn 10 năm, có gia đình 15 năm. Nên việc sau khi hoàn thành một năm dạy học, tôi tình nguyện ở lại thêm một năm nữa để sẻ chia khó khăn với nhà trường và các em học sinh cũng là việc làm hết sức bình thường. Tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng với tập thể nhà trường trong công tác giáo dục ở vùng khó”.

Việc luân chuyển giáo viên từ các trường ở vùng thuận lợi lên trường ở vùng cao chính là “làn gió mới” giúp học sinh những nơi khó khăn có cơ hội được tiếp cận với phương pháp dạy học của giáo viên ở vùng thuận lợi.

Bởi vậy, các trường trên địa bàn các xã thuộc vùng miền núi có điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn của thành phố Hạ Long ngày càng đạt được thành tích cao trong công tác giáo dục và các phong trào, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao.

Nhiều học sinh đạt gải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, các cuộc thi khoa học kỹ thuật, Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, cấp tỉnh và các cuộc thi khác.

Đây cũng là động lực để thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng khó, vùng sâu, xa của thành phố Hạ Long.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/quang-ninh-luan-chuyen-giao-vien-den-vung-kho-nguoi-trong-cuoc-chia-se-post244986.gd