Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

Trung tâm đã hoạt động gần 10 năm và luôn cố gắng, vững tin vào việc làm mang đậm tính nhân văn đã chọn, đó là thắp sáng lên ngọn lửa ước mơ cho hàng trăm trẻ em nghèo khuyết tật. Bởi biết cho đi yêu thương, sống tận tâm trách nhiệm với người khác, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội, thì cuộc đời sẽ tốt đẹp biết bao!

1. Đã hơn một tuần kể từ ngày khai giảng năm học 2024-2025, chị Nguyễn Thị Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, vẫn vô cùng tất bật. Bởi ngoài chuyện đưa các em học sinh khiếm khuyết đến học văn hóa tại các cơ sở giáo dục, còn là chuyện đón những em trẻ thiếu may mắn này về lại trung tâm (cơ sở 2, xã Trung An, huyện Củ Chi, TPHCM). Tọa lạc tại vùng ven thành phố, trung tâm có diện tích đất tự nhiên khá rộng, nên diện tích bình quân đất tự nhiên/học sinh là 40m2 và diện tích bình quân phòng ở của các em là 25m2.

Vừa xong công việc bên ngoài, chị Nhung tiếp tục cùng nhân viên trung tâm chăm lo cơm trưa cho từng trẻ, sau đó yêu cầu các em về phòng ngủ trưa để có sức học tập ban chiều và học thêm nghề. Ngoài khu vực phòng ở, trung tâm có bếp ăn sạch sẽ khang trang, có phòng sinh hoạt tập thể, khu vui chơi ngoài trời, hệ thống cấp thoát nước đạt chuẩn.

 Giờ học văn hóa của các em học sinh tại trung tâm

Giờ học văn hóa của các em học sinh tại trung tâm

Chị Nhung nói như phân trần vì không có thời gian tiếp khách: “Tổng số công nhân viên của cơ sở 2 là 5 người nên tôi vừa phụ trách, vừa kiêm nhiệm nhân viên tiếp phẩm, hành chính, kỹ thuật viên phục hồi chức năng… Cũng may mắn là tôi có thời gian dài làm công tác chăm sóc trẻ em, chăm lo người yếu thế ở Sở LĐTB-XH TPHCM nên có chút kinh nghiệm. Riêng chỉ có giáo viên văn hóa và giáo viên nghề thì trung tâm mời thỉnh giảng hoặc đưa các em đến tận trường lớp mỗi ngày”.

Năm học mới này, cơ sở 2 của trung tâm có 24 học sinh, đến từ cơ sở 1 sau khi hoàn thành bậc tiểu học. Tất cả học sinh khi được tiếp nhận đều được trung tâm theo dõi chăm sóc sức khỏe, dạy kiến thức, dạy kỹ năng, dạy nghề cơ bản, phù hợp với khả năng của từng học sinh, của từng dạng tật. Đối với các học sinh khiếm thính, việc tiếp nhận thông tin từ bên ngoài chủ yếu là bằng thị giác nên trung tâm còn ứng dụng công nghệ thông tin lồng ghép hình ảnh để có thể tiếp thu bài nhanh hơn. Đối với học sinh khó khăn về tri giác, thì được ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ kỹ năng viết, kích thích các giác quan để phát huy khả năng học tập. Hiện tại, ngoài học văn hóa, cơ sở 2 có 16 em đang học nghề gia công nữ trang, may, thiết kế vi tính, chăm sóc thẩm mỹ…

2. Cùng thời điểm, tại cơ sở 1 của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), các em trẻ khuyết tật cũng đã vào năm học mới. Đây là trung tâm chuyên biệt duy nhất ngoài nhà nước có chức năng chăm sóc, giáo dục tiểu học, dạy chữ, dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Quảng Ngãi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, cán bộ phụ trách tổ chức nhân sự của trung tâm, nói: “Năm học 2024-2025, cơ sở 1 của trung tâm có sĩ số là 103 học sinh với định hướng của chúng tôi khi tiếp nhận các cháu vào, ngoài việc theo dõi chăm sóc sức khỏe, là dạy kiến thức, dạy kỹ năng, dạy nghề cơ bản, phù hợp với khả năng của từng cháu, để sau này khi ra đời, các cháu cơ may có công ăn việc làm mang tính bền vững, lâu dài. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng hơn nữa đến các phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm của từng dạng tật. Các cháu sau khi hoàn thành xong bậc tiểu học hoặc học nghề ở cơ sở 1, sẽ tiếp tục vào cơ sở 2 để được giúp đỡ học chữ, học nghề ở trình độ cao hơn”.

Ví dụ như em Phan Văn Phú (xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là trẻ câm điếc bẩm sinh, không may sinh ra trong gia đình rất nghèo. Khi được đưa đến cơ sở 1 để học chữ, em tiếp thu rất chậm nhưng hiểu nghề rất nhanh và giỏi may mặc. Sau khi có được kiến thức căn bản về văn hóa, Phú cùng 8 học sinh khác được đưa vào cơ sở 2 để học tập nâng cao, trong đó Phú làm trợ giảng cho giáo viên may.

Hay như em Nguyễn Thị Kim Ngân (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) sau khi tốt nghiệp thì được giữ lại làm nhân viên trung tâm với mức lương 4 triệu đồng. Em xúc động cho biết, từ ngày được học hành và sau đó có việc làm, em đã không còn cảm giác tự ti, mặc cảm của người khuyết tật, mà càng tự tin hơn khi giúp các trẻ khác cùng cảnh. Và đó còn là Phạm Thị Cẩm Lệ, vốn mồ côi lại câm điếc, Lệ đã hoàn thành các năm học tại trung tâm, ra trường và làm nghề được học để nuôi sống bản thân rất ổn định!

3. Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập dựa vào cộng đồng, được hình thành từ sự giúp đỡ ban đầu về cơ sở vật chất và tài chính của gia đình cố nhà báo Võ Hồng Sơn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Từ sự giúp đỡ ban đầu ấy, trung tâm nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ, giúp sức. Trung tâm chính thức thành lập vào tháng 4-2015, có quy mô nuôi dạy từ 100-150 trẻ, có nguyên tắc hoạt động: phi lợi nhuận, tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, tôn trọng các quyền của trẻ em được pháp luật bảo vệ, không phân biệt đối xử đối với tất cả trẻ em; tôn trọng, bảo vệ thân thể, nhân phẩm và danh dự, sức khỏe, phát triển năng khiếu và đào tạo nghề nghiệp cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà, người sáng lập và là Giám đốc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn, cho biết, trung tâm đã hoạt động gần 10 năm và luôn cố gắng, luôn vững tin vào việc làm mang đậm tính nhân văn đã chọn. Đó là thắp sáng lên ngọn lửa ước mơ cho hàng trăm trẻ em nghèo khuyết tật. Từng ngày trôi qua, được nhìn thấy các cháu lớn lên không những về thể chất, tâm hồn mà còn có sự quyết tâm vượt qua bệnh tật để cố gắng học chữ, học nghề vun đắp ước mơ. Chúng tôi càng trân quý hơn sự nỗ lực, cống hiến, giúp đỡ của biết bao người đối với trung tâm.

“Tôi rất tâm đắc mấy dòng thơ của Tố Hữu: Nếu là con chim, chiếc lá,/ Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh./ Lẽ nào vay mà không có trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình. Những lời thơ thấm thía lẽ sống nhân sinh, biết cho đi yêu thương, sống tận tâm trách nhiệm với người khác, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội thì cuộc đời sẽ tốt đẹp biết bao! Mỗi chúng ta đều vất vả nhưng không ưu phiền, vất vả với niềm vui của lòng nhân ái vì bởi chúng ta đã nặng duyên với trẻ khuyết tật”, bà Nguyễn Thị Thu Hà xúc động tâm sự.

MINH ANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/song-la-cho-dau-chi-nhan-rieng-minh-post758476.html