Quảng Ninh muốn đi đầu về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ
Thực hiện Nghị quyết 57, Quảng Ninh triển khai Chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2050, ban hành các cơ chế mới về mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ và phân cấp quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để các chương trình, đề án nhanh chóng đi vào thực tiễn…

Quảng Ninh đặt mục tiêu một số lĩnh vực sẽ đạt trình độ tiên tiến, tiệm cận khu vực và quốc tế.
Tại xưởng chế tạo của Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, sinh viên đang hoàn thiện robot thông minh để chuẩn bị cho cuộc thi Sáng tạo Robot Việt Nam 2025. Từ thiết kế cơ khí, lập trình cho đến tích hợp cảm biến laser và thuật toán điều khiển, tất cả đều do sinh viên trực tiếp thực hiện.
Phạm Tiến Thành, sinh viên Khoa Điện, cho biết muốn robot có thể tự căn khoảng cách và điều chỉnh tốc độ ném bóng nhờ công nghệ cảm biến và điều khiển tự động. Mục tiêu là giành quyền vào vòng chung kết và đạt thành tích tốt nhất có thể.

Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh.
Nhằm thúc đẩy tinh thần nghiên cứu trong sinh viên, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh thậm chí đã thành lập Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, xây dựng ba nhóm nghiên cứu chuyên sâu và tăng cường kết nối giữa đào tạo và thực tiễn.
TS Hoàng Hùng Thắng, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, khẳng định năm học 2025, nhà trường sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực tài chính để đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một quỹ hỗ trợ nghiên cứu cũng sẽ được mở rộng để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp ngay trong nhà trường.
Tại Công ty Cảng, đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Đông Bắc, một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ than, cũng xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến kỹ thuật là giải pháp then chốt để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Giám đốc Công ty, cho biết: Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 57, công ty đã đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đặc biệt là đưa vào vận hành hệ thống tuyển rửa công nghệ cao tại cảng Khe Dây. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng than đầu ra đã tăng gấp 4 lần, đồng thời môi trường làm việc cũng được cải thiện rõ rệt – sạch hơn, an toàn hơn và ít bụi hơn.
Quảng Ninh đang từng bước cụ thể hóa các định hướng trong Nghị quyết 57 bằng những hành động thực tế, đồng bộ. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là nền tảng cho phát triển lâu dài.
Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành 10 văn bản quan trọng tạo sự thống nhất xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, UBND tỉnh cũng kịp thời ban hành 3 văn bản cụ thể hóa nhằm triển khai đồng bộ các nội dung nghị quyết trên thực tế. Song song với đó, công tác quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết được triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh, giúp nâng cao nhận thức, khơi dậy quyết tâm chính trị mạnh mẽ và tinh thần đổi mới trong toàn xã hội.
Đáng chú ý, trong quá trình hiện thực hóa nghị quyết, tỉnh đã thực hiện sáp nhập Sở Khoa học và Công nghệ với Sở Thông tin và Truyền thông giúp tinh gọn bộ máy và thống nhất đầu mối quản lý trong lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỉnh cũng ban hành các cơ chế mới về đầu tư, mua sắm, thuê dịch vụ công nghệ và phân cấp quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để các chương trình, đề án nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Trong lĩnh vực hạ tầng số, Quảng Ninh tăng tốc triển khai Đề án 06 của Chính phủ, từng bước xây dựng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính một cấp.
Không chỉ đầu tư vào hạ tầng, Quảng Ninh còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, Quảng NInh đã triển khai Chương trình phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng 2050, đồng thời nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù để thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân lực khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
TS Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho rằng để đổi mới hiệu quả, cần đưa yếu tố khoa học công nghệ vào mọi lĩnh vực, sản phẩm và cả trong nhận thức người dân. Khi đó, Nghị quyết 57 mới thật sự phát huy giá trị.
Trong khi đó, Đại tá Trần Văn Phúc, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết mỗi đơn vị trong lực lượng công an sẽ được giao chỉ tiêu có ít nhất một sản phẩm mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hoặc chuyển đổi số trong năm 2025. Ngành công an xác định đây là nền tảng để nâng cao hiệu quả công việc và triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.
Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu trở thành địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, một số lĩnh vực sẽ đạt trình độ tiên tiến, tiệm cận khu vực và quốc tế. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần phát triển Quảng Ninh theo hướng hiện đại, bền vững.