Quảng Ninh - 'ngôi sao' sáng về thu hút vốn FDI
Sau 11 tháng, Quảng Ninh là địa phương có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất với gần 3,11 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp tục dẫn đầu cả nước
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng, Việt Nam đã thu hút thêm gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, rót vốn vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong đó, Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
TPHCM xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,8 tỷ USD, 2,7 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
Số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ, tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI gồm cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Để có được thành quả trên, tỉnh Quảng Ninh không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, cùng với đó là luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc với phương châm phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là phát triển của tỉnh.
Quảng Ninh đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, quyết định đầu tư trên địa bàn.
Tháng 10 vừa qua, tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD của Tập đoàn Jinko Solar đã được tỉnh Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Dự án có diện tích quy hoạch trên 76ha, nằm trong phạm vi Dự án Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà). Để tạo thuận lợi cho dự án được triển khai, huyện Hải Hà đã sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích nằm trong phạm vi quy hoạch dự án và bàn giao cho Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam.
Cùng với đó phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các hạng mục hạ tầng phụ trợ, đảm bảo dự án có thể đi vào vận hành ngay sau khi hoàn thiện các hạng mục đầu tư.
Với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD, tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023; chiếm 50% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của toàn tỉnh.
Việc tiếp tục đầu tư dự án này sẽ góp phần hoàn thiện chuỗi sản xuất tấm quang năng với quy mô lớn của Tập đoàn Jinko Solar tại Quảng Ninh, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn trên địa bàn tỉnh lên trên 2,5 tỷ USD, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất tấm quang năng lớn nhất trong cả nước.
Cùng với Tập đoàn Jinko Solar thì Tập đoàn Foxconn – một trong những doanh nghiệp sản xuất điện tử hàng đầu trên thế giới tiếp tục đầu tư hai dự án sản xuất tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Qua đó, nâng tổng số vốn đầu tư của tập đoàn tại Quảng Ninh lên trên 350 triệu USD.
Có thể thấy với môi trường đầu tư thuận lợi, cùng với hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại khi có cả đường hàng không, đường biển, đường bộ, Quảng Ninh đã và đang có sức hút mạnh mẽ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Việc các nhà đầu tư đã có dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh tại Quảng Ninh tiếp tục đầu tư các dự án mới trên địa bàn cho thấy sự tin tưởng vào những cam kết của tỉnh trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành nền kinh tế tốt nhất cả nước.
Việc thu hút nguồn vốn FDI với các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ hiện đại thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đã khẳng định sự đúng đắn trong định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” mà Quảng Ninh đã triển khai thực hiện trong suốt nhiều năm qua.
Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của phía Bắc và cả nước.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/quang-ninh-ngoi-sao-sang-ve-thu-hut-von-fdi-post662832.html