Quảng Ninh: Nhiều cách làm hay để lan tỏa tinh thần học tập suốt đời

Thời gian qua cùng với việc triển khai sâu rộng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của các cấp, ngành, địa phương nhiều gia đình, dòng họ tại Quảng Ninh cũng có cách làm hay để lan tỏa tinh thần học tập suốt đời.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Ka Long, thành phố Móng Cái tham gia hào hứng tại buổi khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời của thành phố. Ảnh: Thu Hằng

Học sinh Trường Trung học cơ sở Ka Long, thành phố Móng Cái tham gia hào hứng tại buổi khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời của thành phố. Ảnh: Thu Hằng

Nhờ đó, phong trào học tập trên địa bàn Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ, tạo nét đặc trưng của địa phương. Qua các phong trào, truyền thống hiếu học trong nhân dân toàn tỉnh được phát huy với sự chung tay của cộng đồng, sự quan tâm chăm lo của địa phương và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Theo đó, việc triển khai các nội dung công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, ngành, địa phương triển khai sâu rộng, thu hút được sự tích cực tham gia, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân.

Xác định gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập là nền tảng xây dựng xã hội học tập, vì vậy Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động, chỉ đạo thực hiện việc đăng ký phấn đấu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" và "Công dân học tập".

Hội Khuyến học tỉnh tổ chức thăm dòng họ Vũ Tam (thị xã Quảng Yên). Ảnh: Lan Anh

Hội Khuyến học tỉnh tổ chức thăm dòng họ Vũ Tam (thị xã Quảng Yên). Ảnh: Lan Anh

Hiện toàn tỉnh có 326.385/365.502 gia đình đăng ký "Gia đình học tập", 1.145/1.460 dòng họ đăng ký "Dòng họ học tập", 1.408/1.446 cộng đồng thôn, khu đăng ký "Cộng đồng học tập", 892/906 đơn vị cấp xã đăng ký "Đơn vị học tập". 6 tháng năm 2024, có 629.719 công dân đăng ký "Công dân học tập".

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực để phát triển quỹ khuyến học cũng được thực hiện rất hiệu quả. Hằng năm, Quỹ Khuyến học các cấp trong tỉnh đã trao hàng trăm suất học bổng cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo, mồ côi… Đặc biệt, cuộc vận động "3 đỡ đầu" do Hội Khuyến học tỉnh khởi xướng (đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó, đỡ đầu học sinh mồ côi và khuyết tật vươn lên, đỡ đầu học sinh giỏi thành tài) luôn nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Toàn tỉnh hiện có 831 học sinh, sinh viên, trong đó có 606 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 107 học sinh khuyết tật, 108 học sinh giỏi được nhận đỡ đầu và trợ giúp. 6 tháng năm 2024, Hội Khuyến học tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cẩm Phả, Hội Khuyến học thị xã Đông Triều, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh tặng quà cho 252 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền trên 200 triệu đồng, nhằm động viên, hỗ trợ, khích lệ các em tiếp tục nỗ lực, phấn đấu vượt khó vươn lên trong học tập.

Không chỉ có sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương nhiều gia đình, dòng họ có cách làm hay để lan tỏa tinh thần hiếu học, xây dựng phong trào học tập.

Phong trào học tập suốt đời trong gia đình được đẩy mạnh thực hiện tại Đông Triều. Ảnh: Thu Chung

Phong trào học tập suốt đời trong gia đình được đẩy mạnh thực hiện tại Đông Triều. Ảnh: Thu Chung

Đơn cử như việc thành lập ban khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học, kịp thời động viên, khen thưởng, khuyến khích những con em có thành tích học tập tốt. Những dịp này cũng là để các gia đình, dòng họ giáo dục ý nghĩa quan trọng của việc học đối với mỗi người, gia đình và cộng đồng, tạo khí thế thi đua học tập nói riêng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước nói chung, cổ vũ các thành viên chung tay xây dựng nếp sống gia đình văn hóa, văn minh, tiến bộ.

Các phong trào phát triển đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về xã hội hóa giáo dục, tranh thủ các điều kiện vật chất cho sự phát triển của giáo dục, thúc đẩy gia đình chăm lo cho con em học tập, khuyến khích tài năng trẻ, giúp đỡ con em gia đình nghèo được học. Đồng thời, khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, tạo động lực thúc đẩy người lớn, người lao động tham gia học tập và học tập suốt đời, làm nền tảng cho việc hình thành xã hội học tập.

Theo ông Hồ Chí Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh đã đạt được thời gian qua là thành quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát toàn diện của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp, sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, hội viên Hội Khuyến học từ tỉnh đến cơ sở, địa bàn dân cư. Đặc biệt là sự hưởng ứng, tinh thần thi đua hiếu học của các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh có kế hoạch tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể tham mưu các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh trở thành tỉnh học tập; phấn đấu tạo bước chuyển đột phá trong xây dựng mô hình "Công dân học tập" để nhân rộng trên địa bàn tỉnh, xây dựng "Cộng đồng học tập" cấp xã, huyện, tỉnh. Cùng với đó, hỗ trợ tích cực để thành phố Hạ Long và thành phố Uông Bí tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu…

Tuệ Nhi

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/quang-ninh-nhieu-cach-lam-hay-de-lan-toa-tinh-than-hoc-tap-suot-doi-179241002093518796.htm