Quảng Ninh: Nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả
Tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, dành nhiều nguồn lực hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo.
Đón Tết trong nhà mới
Tết Giáp Thìn 2024 sẽ là cái Tết đáng nhớ đối với gia đình anh Chíu A Sám, hộ cận nghèo ở thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Sau bao năm mơ ước, căn nhà cấp 4 đã xuống cấp của gia đình anh Sám đã được thay thế bằng căn nhà mới. Từ 80 triệu đồng hỗ trợ của chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Tiên Yên, anh Sám mạnh dạn xây căn nhà mới để an cư, lạc nghiệp.
Anh Sám cho biết, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên gia đình chưa sửa chữa được nhà ở. Nay xây dựng được căn nhà mới khang trang, kiên cố rồi, vợ chồng anh vui lắm. Từ nay không phải chịu cảnh mưa dột, gió lùa rét buốt nữa. Tết này, anh Sám sẽ mời anh em, gia đình sum họp đầy đủ để cùng tận hưởng không khí đoàn viên ngày Tết trong căn nhà mới.
Niềm vui của gia đình anh Sám cũng là niềm vui chung của xã Đại Dực, khi mới từ năm 2017 trở về trước, Đại Dực còn là xã nghèo, phải nhận sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, toàn xã không còn hộ nghèo, chỉ còn 8 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,7 triệu đồng (tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2022). Hầu hết các hộ dân trong xã đã chủ động sản xuất, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, xã đã khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo các nghị quyết, chương trình kế hoạch của tỉnh và huyện, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo công tác giảm nghèo. Trong đó, Nghị quyết 01 ngày 27/10/2010 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về xây dựng chương trình nông thôn mới; Nghị quyết 07 ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc; Nghị quyết 06 ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... mở đường cho các đề án, chương trình, với những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, nối tiếp, tạo thế và lực mới cho công cuộc vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Để mọi người dân đều được hưởng thành quả
Chỉ tính từ năm 2021-2023, mặc dù kinh tế - xã hội chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Quảng Ninh vẫn ưu tiên phân bổ 300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, hoàn thành kế hoạch cấp vốn của cả giai đoạn 2021-2025 cho vay giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Hơn 4.400 lượt người lao động được tiếp cận nguồn vốn này để làm ăn, góp phần tạo việc làm, thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Như nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Quảng Tân, giờ đây gia đình chị Phạm Thị Hường, ở thôn Tân Sơn, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu, nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay của tỉnh để chăn nuôi lợn theo hướng gia trại.
“Trước đây công việc của tôi khá bấp bênh, từ khi được vay vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh, gia đình đã mở mang chuồng trại nuôi bán lợn giống, bình quân mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng” - chị Hường cho biết.
Việc huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo cũng được tỉnh hết sức chú trọng. Trong đó, năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho trên 26.300 lượt hộ gia đình, người lao động vay vốn số tiền 1.810 tỷ đồng.
Vốn vay được tập trung đầu tư vào các ngành nghề thế mạnh của từng địa phương với mục đích chủ yếu như phát triển sản phẩm OCOP, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Cùng với hỗ trợ phát triển sản xuất, giai đoạn 2021-2023, Quảng Ninh đã giao các địa phương tập trung triển khai thực hiện 307 dự án đầu tư hạ tầng thiết yếu do ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư. Bao gồm các tuyến giao thông huyết mạch, có tính động lực, chiến lược và tác động lan tỏa mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, nâng cao điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho nhân dân. Bên cạnh đó là hàng loạt các công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về nước sản xuất, nước sinh hoạt, cùng hàng loạt các công trình trường học được đầu tư, xây mới ở vùng sâu, vùng xa... Qua đó, thay đổi diện mạo khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và góp phần nâng cao chất lượng đời sống vùng đồng bào DTTS…