Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 vượt hơn 14%
Để thực hiện mục tiêu của cả nước, góp phần vào kết quả tăng trưởng chung, đồng thời xét tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2025 đạt 14%, cao hơn mức Chính phủ giao.
Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu được giao
Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết: Trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%. Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, Quảng Ninh chia sẻ cùng cả nước với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%.
"Vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp HĐND tỉnh ngày 26/2 tới đây. Khi xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng 12,5% chúng tôi cũng thấy hết sức khó khăn trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và đặc biệt là quy mô của tỉnh rất lớn, hiện nay đã gần 347.000 tỷ đồng và nếu tăng trưởng14% thì chúng tôi có mức tăng tuyệt đối là hơn 48.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn, đòi hỏi quyết tâm nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ người dân đến cộng đồng doanh nghiệp", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, ngày 21/2/2025. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Đẩy mạnh thu hút các dự án vào khu công nghiệp, khu kinh tế
Với mục tiêu đặt ra, tỉnh Quảng Ninh xác định một số nội dung chính cần tập trung thực hiện.
Thứ nhất, lấy đầu tư công, lấy đầu tư ngoài ngân sách làm động lực tăng trưởng chính. Với đầu tư công, ngay từ đầu năm tỉnh đã phân giao trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ, đầu tư nhanh nhất, sớm nhất với mục tiêu là giải ngân 100% vốn, triển khai các giải pháp để tăng thu ngân sách, bổ sung nguồn lực chi đầu tư phát triển trong năm với một số dự án mới.
Với đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh coi đây là giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính quyết định trong năm nay. Những khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư triển khai dự án với những mấu chốt phải tháo gỡ và cần nhận diện, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đến quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đất đai, tài nguyên; thống kê các dự án còn vướng mắc và giao trách nhiệm tháo gỡ phân công theo dõi, đánh giá thường xuyên.
Đối với các dự án lớn, Thường trực Tỉnh ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực UBND giao ban, nghe báo cáo và xử lý hằng tuần.
Đối với các giải pháp phục vụ tăng trưởng không chỉ cho năm 2025 mà còn chuẩn bị cho giai đoạn 2026-2030, Quảng Ninh tập trung đẩy nhanh thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án mới, xúc tiến thu hút các dự án vào khu công nghiệp, khu kinh tế; xây dựng phương án, lộ trình cụ thể thu hút đầu tư phát triển mới từ 2-4 khu công nghiệp, ít nhất là 5 cụm công nghiệp. Tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành theo lĩnh vực phụ trách xây dựng và giao chỉ tiêu tăng trưởng các sản phẩm chính cho các huyện, thị xã…
Thứ hai, đảm bảo tính ổn định của các ngành truyền thống như ngành than, điện phải bảo đảm chỉ tiêu đặt ra; thu hút du lịch bảo đảm doanh thu phải đạt hơn 55.000 tỷ đồng.
Thứ ba, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; nghiên cứu hoàn thiện không gian phát triển tổng thể khu vực xung quanh Vịnh Cửa Lục; tập trung đô thị hóa khu vực Thành Hồi để nắm bắt cơ hội phát triển mới.
Bên cạnh những nội dung trên, tỉnh Quảng Ninh mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số nội dung:
Thứ nhất, đối với ngành than, theo báo cáo của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc, hiện nay có 7 dự án thăm dò cấp phép mới và 7 dự án cần phải gia hạn. Theo quy định cấp phép dự án cần gia hạn hiện nay là phải giám định máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ sử dụng trọng dự án đầu tư mới… ngay cả thủ tục này đối với ngành chuyên biệt như ngành than trong năm 2025 là rất khó khăn. Do đó, tỉnh Quảng Ninh mong được xem xét tháo gỡ.
Đối với khu du lịch phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn, trong tuần tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ trình Bộ Chính trị, Chính phủ về chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Đồn. Trước mắt, tỉnh mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương triển khai Khu du lịch phức hợp cao cấp của Khu kinh tế Vân Đồn, dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Đối với dự án này nếu được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất sẽ đóng góp vào tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thứ ba, liên quan đến Nhà máy ô tô Thành Công, đây là nhà máy hứa hẹn tạo ra "cú hích" tăng trưởng lớn cho kinh tế của Quảng Ninh, vì vậy cần có những chính sách đặc biệt đối với Nhà máy ô tô Thành Công, đặc biệt là những liên quan đến chính sách thuế, tương tự như ở trong Khu kinh tế.
Cuối cùng là vấn đề bổ sung quy hoạch điện gió trong Quy hoạch điện VIII, trong các sản phẩm của các khu công nghiệp phức hợp hiện nay thì yêu cầu trong sản phẩm có "sản xuất xanh" và có cơ cấu tái tạo, vì vậy tỉnh mong muốn tăng tỷ lệ điện tái tạo, đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét tăng các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
"Tỉnh Quảng Ninh cũng mong muốn được sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành để tỉnh nỗ lực với quyết tâm cao nhất đạt được những mục tiêu đề ra cùng với cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả nước là 8%", ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cho ý kiến về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025. (Ảnh: Quảng Ninh Portal)
Tập trung tháo gỡ dứt điểm, tổng thể tất cả các điểm nghẽn, vướng mắc
Trước đó, ngày 11/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức cuộc họp cho ý kiến về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo báo cáo của UBND tỉnh, kịch bản tăng trưởng năm 2025 được xây dựng trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, căn cơ từng nguồn lực, từng nhân tố tăng trưởng trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đồng thời, kịch bản đã xây dựng những giải pháp quyết liệt, trực diện giải quyết vấn đề trong điều kiện thực hiện tốt nhất ở cả 3 khu vực kinh tế.
Theo đó, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản mức tăng trưởng năm 2025 được đặt ra ở mức cao nhất trong bối cảnh ngành nông nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 (Yagi).
Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục được xác định là động lực tăng trưởng chính. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của lĩnh vực này trong năm 2025, kịch bản xác định cần đảm bảo Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đi vào sản xuất thương mại đúng như dự kiến, đạt 20.000 ô tô trong năm 2025. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất để có sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; đôn đốc các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư đi vào sản xuất đúng tiến độ đã cam kết, trọng tâm là các nhà máy của các tập đoàn Foxconn, Lite on, TCL,… Tỉnh cũng tiếp tục thu hút vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong năm 2025.
Đối với ngành xây dựng, các giải pháp được xác định là phải giải quyết dứt diểm các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đưa toàn bộ nguồn vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 dự kiến là trên 120 nghìn tỷ vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với khu vực dịch vụ, ngành du lịch đặt mục tiêu thu hút 20 triệu lượt khách, doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 55.000 tỷ đồng, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động xuất nhập khẩu.
Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu của cả nước, góp phần vào kết quả tăng trưởng chung, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2025 đạt 14%, cao hơn mức Thủ tướng giao, tăng 2% so với Nghị quyết số 31-NQ/TU ngày 2/12/2024 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 237/NQ-HĐND ngày 06/12/2024 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 14%, quy mô nền kinh tế năm 2025 sẽ đạt khoảng 395.000 tỷ đồng. Đây là mục tiêu đòi hỏi sự cố gắng tối đa, nỗ lực cao nhất của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp quan trọng nhất được xác định là đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo giải phóng toàn bộ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Theo đó, phải tập trung tháo gỡ dứt điểm, tổng thể tất cả các điểm nghẽn, vướng mắc đã tồn tại từ nhiều năm nay như: quy hoạch, giải phóng mặt bằng, nguồn đất san lấp; nhanh chóng rà soát, điều chỉnh các quy định không còn phù hợp với thực tế đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền cấp tỉnh...
Để hoàn thành các mục tiêu đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu giao trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương đối với từng chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp được đặt ra, nhất là các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn.