Quảng Ninh: Phát triển dịch vụ logistics xứng tầm

Với đặc trưng có hệ thống cửa khẩu phân bố trên dọc tuyến biên giới, là cửa ngõ giao dịch xuất nhập khẩu với Trung Quốc và các nước trong khu vực, có hệ thống cảng biển, cảng nước sâu có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, Quảng Ninh có nhiều thuận lợi trong phát triển dịch vụ logistics.

Để phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế này, hiện tỉnh đang có nhiều chiến lược đầu tư phát triển ngành dịch vụ logistics, qua đó tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, của cả nước và của vùng.

Logistics tại Quảng Ninh là loại hình dịch vụ có vai trò quan trọng trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp và được xem là tâm điểm của sự phát triển kinh tế, thương mại của tỉnh. Quảng Ninh với các cửa khẩu quốc tế, hệ thống đường bộ, đường biển, hàng không, hệ thống cảng nước sâu… tạo ra những cơ hội lớn cho phát triển logistics không chỉ của tỉnh, mà còn là cơ sở phát triển sản xuất - kinh doanh của cả nền kinh tế.

Đánh giá về tiềm năng phát triển logistics tại Quảng Ninh, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng: để phát triển logistics, Quảng Ninh cần có kế hoạch triển khai tổng thể, đề ra những nhiệm vụ cụ thể, đánh giá những mặt đã làm được và chưa làm được.

Về hạ tầng, Quảng Ninh đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt khoảng trên 122 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000 - 300.000 lượt khách, dịch vụ cảng biển đóng góp từ 1,2 - 1,5% GRDP của tỉnh, hình thành thương hiệu Quảng Ninh trên bản đồ cảng biển khu vực và quốc tế.

Bởi vậy tương lai tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành dịch vụ nhiều tiềm năng này. Trong đó cần tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển để tạo ra trung tâm kết nối dịch vụ, giao thông quốc tế, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào một số khu vực trọng tâm có nhiều tiềm năng.

Ông Lê Văn Thuyết - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Ninh, chia sẻ: để phối hợp logistics cần kèm theo kho bãi nhưng hiện nay Quảng Ninh mới chỉ quy hoạch khu công nghiệp cảng biển chứ còn để hỗ trợ phụ trợ cho logistics để có kho bãi ngoại quan thì gần như chưa có. Kể cả ở 4 thành phố lớn bản chất cũng không có một bãi container hay kho bãi nào đủ quy mô để chứa hàng ngoại quan bao gồm kho, hạ tầng, xuất nhập hay bảo quản…

Để trở thành trung tâm logistics của khu vực phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã và đang từng bước khắc phục các “điểm nghẽn”. Trong đó đặc biệt chú trọng phát triển về hạ tầng, nguồn nhân lực cũng như có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử như đối với hạ tầng, hiện tỉnh sở hữu đầy đủ các loại hình giao thông vận tải, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc xuyên tỉnh và cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. 5 khu kinh tế (2 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu), các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chiếm trên 30% diện tích tự nhiên của tỉnh...

Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động rút ngắn thời gian vận chuyển.

Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động rút ngắn thời gian vận chuyển.

Đặc biệt, tháng 9.2022 vừa qua, Quảng Ninh chính thức đưa đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái vào hoạt động, nối liên thông với các tuyến cao tốc xuyên tỉnh hình thành trước đó, tạo thành chuỗi cao tốc dài gần 600 km từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Từ Hà Nội tới cửa khẩu quốc tế Móng Cái nay chỉ còn dưới 3,5 giờ thay vì 5 - 6 giờ như trước.

Ông Vũ Hồ Ninh - Giám đốc Chi nhánh Công ty Bee Logistics Hải Phòng, nhận định tuyến đường đã giúp các doanh nghiệp logistics giảm đáng kể thời gian và cung đường vận chuyển, tối ưu hóa chi phí. Hiện đơn vị đã mở thêm văn phòng đại diện ở Móng Cái.

Dịch vụ khởi động lại đầu tiên là dịch vụ truyền thống vận chuyển đường bộ, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái. Thời gian tới, chúng tôi quan tâm nhiều đến các trung tâm logistics trên địa bàn Quảng Ninh có thể tận dụng được tuyến đường mới này, thuyết phục các nhà đầu tư lựa chọn thêm Móng Cái làm điểm trung chuyển ở biên giới cho thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực khi địa phương hình thành các trung tâm logistics với tiêu chuẩn cao hơn, giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng với dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn này trên 45.000 tỷ đồng.

Trong đó đặc biệt quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng biển như Vạn Ninh, kêu gọi đầu tư vào cảng Con Ong - Hòn Nét, hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) cảng biển Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong, Đầm Nhà Mạc (TX. Quảng Yên), cảng biển Hải Hà (huyện Hải Hà); hệ thống đường bộ liên kết vùng với Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, đặc biệt là TP. Hải Phòng...

Với mục tiêu đưa dịch vụ logistics của tỉnh tiến tới hiện đại hóa, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tỉnh cũng triển khai nhiệm vụ nghiên cứu để kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển thêm 3 - 5 dịch vụ cảng biển mới; 2 - 3 doanh nghiệp cung ứng tàu biển; 1 - 2 doanh nghiệp lớn đầu tư kinh doanh dịch vụ đại lý hàng hải; 2 - 3 hãng tàu biển quốc tế tham gia khai thác tuyến vận tải đi và đến Quảng Ninh; phát triển tối thiểu 3 - 5 doanh nghiệp vận tải, logistics, 1 - 2 doanh nghiệp lớn đầu tư dịch vụ vận tải hàng hóa đường thủy nội địa...

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng đang xem xét thí điểm, cho phép các tàu biển có trọng tải lớn chở than nhập khẩu về chuyển tải tại khu neo đậu Hòn Miều (TP. Hạ Long) để các hãng tàu biển phát triển tuyến, chuyển hàng trực tiếp đến cảng biển Quảng Ninh. Từ đó có thể thu toàn bộ thuế nhập khẩu mặt hàng than và một số mặt hàng khác vào ngân sách tỉnh.

Ngoài các giải pháp trên, Quảng Ninh luôn chú trọng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, thực hiện hải quan điện tử, thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại cửa khẩu nhằm hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu.

Đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành kết nối hệ thống một cửa quốc gia (NSW) tại 6/6 chi cục hải quan, giảm được hơn 1h đối với thời gian làm thủ tục hàng xuất khẩu; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho 160/160 thủ tục hải quan; 100% khu bến được áp dụng triển khai thủ tục hải quan tự động, giảm bớt thời gian cho doanh nghiệp, chủ tàu. Từ đó nhanh chóng tạo sức hút, đến nay các hãng tàu lớn như MAERSK và SITC, hàng hóa vận chuyển bằng container đã chọn Quảng Ninh là điểm đến.

Với những thuận lợi về cơ sở hạ tầng cùng những cơ chế chính sách đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực phát triển logistics thành ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước... từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, từng bước đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics khu vực phía Bắc.

Theo quy hoạch, Quảng Ninh sẽ trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế. Trong đó Chính phủ cũng đã đặt kỳ vọng dịch vụ tổng hợp hiện đại sẽ ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh. Đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho Đông Nam Á.

PV

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-phat-trien-dich-vu-logistics-xung-tam-122923.html