Quảng Ninh sẵn sàng nhân lực, phương tiện, hàng dự trữ ứng phó siêu bão Yagi

Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã sẵn sàng nhân lực, phương tiện, hàng dự trữ ứng phó siêu bão Yagi với nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra

Để chủ động ứng phó với bão theo tinh thần "tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người", tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của bão.

Đồn Biên phòng Cô Tô hỗ trợ ngư dân phòng chống bão

Đồn Biên phòng Cô Tô hỗ trợ ngư dân phòng chống bão

Quảng Ninh đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn. Các hành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 3.

Đồng thời, tỉnh cũng đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ gây thiệt hại về người và tài sản.

Đến thời điểm hiện tại, các địa phương và lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ, 68 ôtô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu.

Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các loại vật tư như: Vải bạt chống sóng, đá hộc, bao tải, rọ thép, dây thép, vải lọc… cho việc gia cố tại những vị trí xung yếu trên tuyến đê.

Gần 5.600 tàu cá các loại đã nhận được thông tin về bão, di dời về nơi tránh trú bão an toàn. Trên 2.800 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố, chằng chống, buộc dây đảm bảo an toàn. Ngư dân và người lao động trên cơ sở nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương tổ chức di chuyển người lên bờ đảm bảo tuyệt đối không để lại người trên các lồng bè, chòi canh... khi bão đổ bộ.

Cùng với đó, các địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó các vị trí xung yếu, điểm nguy cơ xảy ra sạt lở trên địa bàn, hoàn thành nạo vét, khơi thông hệ thống cống thoát nước trên địa bàn để phòng ngập úng; chặt tỉa cây xanh đô thị, gia cố lại các biển quảng cáo, cột viễn thông, cần cẩu, kiến trúc có chiều cao lớn… nhằm đảm bảo an toàn trước gió mạnh.

Đúng 20 giờ ngày 5-9, loạt pháo hiệu đầu tiên được bắn lên bầu trời TP Hạ Long từ sân cầu cảng của Hải đội Biên phòng 2.

Đúng 20 giờ ngày 5-9, loạt pháo hiệu đầu tiên được bắn lên bầu trời TP Hạ Long từ sân cầu cảng của Hải đội Biên phòng 2.

Sở GD-ĐT căn cứ tình hình mưa, bão chủ động chỉ đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn nghỉ học nếu cần thiết đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu (cầu Bãi Cháy, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, các ngầm tràn…).

Ngành than cũng đã triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn trước bão, sẵn sàng phương tiện, nhân lực ứng phó với tình huống mưa lớn trên các khai trường, hầm lò do các đơn vị của ngành than đang khai thác và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Ông Đỗ Thiện Bằng, Phó trưởng Ban Môi trường tập đoàn TKV, cho biết: Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị lộ thiên tạm dừng sản xuất, di chuyển thiết bị đến nơi an toàn khi có mưa. Đối với hầm lò, các đơn vị sẽ tiếp tục củng cố các đường lò, đảm bảo hệ thống phát điện, hệ thống bơm. Bão vào khu vực nào thì lập tức dừng sản xuất, củng cố duy trì, bơm nước liên tục, thực hiện thông gió... đảm bảo an toàn cho các đường lò. Khi bão số 3 về, tất cả giám đốc các đơn vị sẽ trực 24/24 giờ tại công ty theo yêu cầu của tập đoàn, chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán người, thiết bị, dân cư kịp thời.

Đối với các công trình đê điều, dự kiến bão đổ bộ vào đất liền là các ngày có thủy triều không cao, song các ngành, địa phương, đơn vị đã triển khai các giải pháp ứng phó.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thông báo, hướng dẫn tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thông báo, hướng dẫn tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão

Ông Cao Ngọc Tuấn, Bí thư Thị ủy Quảng Yên, cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, Thị xã Quảng Yên đã ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức họp bàn, phân công lãnh đạo Thị ủy và UBND thị xã kiểm tra thường xuyên, liên tục tại các vị trí xung yếu, bến neo đậu, tuyến đê.

Các tàu thuyền đã về nơi tránh trú bão an toàn, bè nuôi trồng thủy sản đã được chằng chống, ngư dân được di dời lên bờ.

Đặc biệt, trên tuyến đê Hà Nam có 2 vị trí xung yếu là 2 cống tiêu qua đê tại Km12+200 và Km13+455. Từ ngày 1-9, thực hiện chỉ đạo của thị xã, đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ, huy động máy móc, làm việc liên tục 3 ca, bổ sung rọ đá hộc, đắp cao đỉnh đê, trải bạt chống sóng đề phòng nước dâng do bão. UBND thị xã kiểm tra liên tục tiến độ, đảm bảo hoàn thành trong sáng 6-9.

Các sở, ngành, địa phương đã tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi diễn biến thời tiết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão, sẵn sàng các biện pháp ứng phó thích hợp tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người.

Tr.Đức

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/quang-ninh-san-sang-nhan-luc-phuong-tien-hang-du-tru-ung-pho-sieu-bao-yagi-196240906101814046.htm