Quảng Ninh: Số phận kỳ lạ của ngôi đình thiêng trăm tuổi từng nhiều lần được sắc phong

Theo tìm hiểu, sau nhiều thập kỷ ngôi đình bị 'xóa sổ', gần đây thị xã Quảng Yên và phường Minh Thành có chủ trương xây mới đình Yên Lập tại vị trí khác, cách đình cũ không xa. Tuy nhiên việc xây mới gặp phải nhiều trở ngại ngẫu nhiên, rất khó lý giải khiến cho đến nay vẫn không thực hiện được. Người tín tâm cho rằng nguyên nhân là do các bậc tiền nhân, thánh thần không đồng ý với việc dời đình đến vị trí mới...

Đình cổ Yên Lập với bề dầy truyền thống văn hóa giờ chỉ còn dấu tích.

Đình cổ Yên Lập với bề dầy truyền thống văn hóa giờ chỉ còn dấu tích.

Do những tồn tại của giai đoạn trước, đình Yên Lập (ở thôn Yên Lập, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã bị phá dỡ hoàn toàn, phần lớn diện tích đất đình đã không còn, trên nền ngôi đình cũ chỉ còn lại dấu tích là nền móng gian hậu cung, tấm văn bia bị đập nham nhở và mấy chân cột bằng đá “trơ gan cùng tuế nguyệt”…

Tuy vậy, trong lòng người dân địa phương, ngôi đình cổ linh thiêng vẫn tồn tại uy nghi, tháng đôi tuần nhân dân vẫn thành tâm hương khói, cầu mong đình sớm được tôn tạo, xây dựng lại tại chính vị trí của đình cũ.

Đình cổ trăm tuổi từng có nhiều sắc phong

Quảng Yên là một vùng đất cổ của tỉnh Quảng Ninh, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích và danh thắng, nhiều đình, chùa, miếu gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó có nhiều di tích đã được xếp hạng.

Tọa lạc tại thôn Yên Lập, xã Minh Thành, huyện Yên Hưng, nay là phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, đình Yên Lập từng được xây dựng khang trang, bề thế như trong sử sách miêu tả: “Đình xây bằng gạch nung, mái lợp ngói, có kiến trúc kiểu chữ Nhị với tiền đường 3 gian, hậu cung 2 gian mọc sừng sững ở địa thế "sơn thủy hữu tình", bên sông Hương, núi Triều”.

Một bức sắc phong đình Yên Lập hiện đang được treo trang trọng trong am thờ.

Một bức sắc phong đình Yên Lập hiện đang được treo trang trọng trong am thờ.

Theo các bậc cao niên, để tri ân công đức "bảo dân hộ quốc" của thành hoàng đình làng Yên Lập, các đời Hoàng đế đã từng ban nhiều sắc phong cho đình, trong đó có các sắc phong ngày 1 tháng 6 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887); sắc phong ngày 18 tháng 11 năm Thành Thái thứ nhất (1889) và sắc phong ngày 1 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).

Theo cuốn “Văn hóa Yên Hưng: Di tích văn hóa, câu đối, đại tự” của tác giả Lê Đồng Sơn – nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành, thì không biết chính xác đình Yên Lập được xây dựng từ năm nào, chỉ biết đình đã có từ rất lâu, theo Văn bia ghi lại thì đình trải qua một đợt tu tạo lớn vào năm Bảo Đại thứ 15 (1940) rất uy nghi bề thế.

Đình Yên Lập thờ thành hoàng là Cao Sơn thượng đẳng thần và Nam Hải thượng đẳng thần. Ngoài ra đình còn phối thờ thủy cung Thánh Mẫu.

Cũng theo cuốn “Văn hóa Yên Hưng: Di tích văn hóa, câu đối, đại tự” của tác giả Lê Đồng Sơn, bia, văn bia “Trùng tu bi kí” tại đình Yên Lập năm 1940 nội dung dịch nghĩa như sau:

“Đình Yên Lập trải qua bao năm tháng chỉ còn là nhà tranh, vách nứa sau này có cụ tiên chỉ họ Nguyễn là người trọng Nho học, có tấm lòng mộ đạo đã cùng các bậc kỳ lão trong làng trong họ bàn bạc chuyển đình ra vị trí ngày nay.

Đình được xây bằng gạch nung mái lợp ngói, nội cung 2 gian, nhà ngoài 3 gian mọc sừng sững ở giữa sông Hương và núi Triều. Ở trong vũ trụ mênh mông rộng lớn này, đã có hình tất phải có lúc bị hư hại, mà huống chi đình làng đã trải qua bao thời kỳ mưa gió. Năm Bảo Đại 13, toàn dân trong xã đóng góp mỗi suất đinh 200 đồng xây mới. Đình xây xong, mọi người tụ họp để ăn mừng, nói rằng nơi đây là chốn lễ nghĩa y quan và cũng là gốc để cương thường phong hóa.

Lớp người trước đã gây dựng nên lớp người sau phải kế thừa mà cố gắng sửa sang tôn tạo khiến cho muôn người đời sau có chỗ quanh năm thờ cúng và làm chỗ hội họp, để những điều thiện sẽ không mất đi. Vậy dựng bia để ghi nhớ và làm bài minh rằng:

“Một tòa chót vót

Nhanh chóng dựng lên

Thủy động sông Hương

Núi chầu gió lộng

Thần linh phù trì

Dân yên cày cấy

Một thời làm phúc

Muôn đời lưu danh”

Dưới văn bia ghi ngày 26 tháng 1 năm Bảo Đại thứ 15 (1940) và danh sách những người công đức xây dựng đình.

Lễ đón sắc đình làng Yên Lập từ Viện Hán - Nôm ngày 15/8/2009 (ảnh do bà con nhân dân địa phương cung cấp).

Lễ đón sắc đình làng Yên Lập từ Viện Hán - Nôm ngày 15/8/2009 (ảnh do bà con nhân dân địa phương cung cấp).

Do những tồn tại thời kỳ trước, ngôi đình cũ bị phá dỡ, văn bia bị đập bỏ, đất đai bị chia cắt, nhiều hiện vật quý trong đình bị thất lạc không còn lưu giữ được.

Mong sớm phục dựng lại ngôi đình tại vị trí cũ

Theo người dân, vào những năm 60 của thế kỷ trước, cũng như nhiều ngôi đình khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đình Yên Lập được huy động làm trường học. Những người thế hệ 6X, 7X của xã Minh Thành đều được tập đọc, tập viết những con chữ đầu tiên từ mái đình này, họ cũng được học những bài học về lịch sử - văn hóa, về tình yêu quê hương đất nước, bài học làm người từ mái đình cổ này… Rất nhiều người thành đạt tỏa đi khắp mọi miền đất nước, nhiều người trong số đó ở lại làm ăn sinh sống tại địa phương và vẫn đau đáu khôn nguôi về số phận ngôi đình cổ…

Am thờ do dân làng tự dựng trên nền gian hậu cung của ngôi đình cổ linh thiêng...

Do những tồn tại từ giai đoạn trước, ngôi đình cổ bị phá bỏ, một phần đất của đình được địa phương sử dụng để xây trường tiểu học và cấp cho hộ dân làm nhà ở. Mái đình Yên Lập - niềm tự hào của người dân quê hương gần như bị xóa sổ, phần lớn diện tích ngôi đình gồm sân vườn, khuôn viên bị chia năm xẻ bảy, cấp cho chủ mới.

Những chân cột bằng đá trên nền cũ của gian hậu cung.

Tấm văn bia bị đập nham nhở...

Tấm văn bia bị đập nham nhở...

Một đoạn móng xây bằng gạch và đá ong của gian hậu cung còn sót lại...

Một đoạn móng xây bằng gạch và đá ong của gian hậu cung còn sót lại...

Lối vào đình cũ hiện đi nhờ qua diện tích đất của một hộ dân.

Tuy vậy, chỉ có phần diện tích xưa kia là gian hậu cung là còn lại gần như nguyên vẹn. Theo người dân, do phần đất hậu cung linh thiêng nên không ai dám chiếm. Theo quan sát, nơi đây vẫn còn dấu tích một bức tường bị phá dở, một tấm bia đá khắc chữ Hán - Nôm bị đập nham nhở và những chân cột đá nhẵn bóng… Tại đây, người dân tự phát dựng lên một am thờ trên dấu tích nhà hậu cung để khói hương, sóc vọng thành hoàng đình làng.

Theo bà con thôn Yên Lập phản ánh, nhiều năm trước, am thờ này nằm lọt thỏm giữa xung quanh là nhà dân và trường học, nên người dân muốn thắp hương đình phải đi nhờ qua trường, ngày nghỉ trường khóa cổng muốn vào thắp hương đình cũ thì phải vượt tường rất cực. Được biết, gần đây một người dân có tâm đã mua thửa đất vị trí giáp đường thôn và tự nguyện hiến đất này cho nhà đình nếu ngôi đình cổ được xây lại. Nhờ vậy, bà con trong vùng vào thắp hương ở đình cũ được đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.

Theo tìm hiểu, sau nhiều chục năm đình cũ bị phá bỏ, thời gian gần đây chính quyền thị xã Quảng Yên và phường Minh Thành đã có chủ trương xây mới đình Yên Lập ở một địa điểm khác, cách vị trí ngôi đình cũ không xa. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, khi tiến hành khởi công xây đình mới thì liên tục gặp những trở ngại không giải thích được, khiến cho việc xây mới đến nay vẫn chưa thể thực hiện. Người dân tín tâm thì cho rằng nguyên nhân do các vị tiền nhân, thánh thần không đồng ý với viêc di dời đình sang chỗ mới.

“Ngày xưa chắc hẳn các cụ đã phải mời thầy phong thủy xem xét rất kỹ mới chọn mạch đất này để xây đình, chứng tỏ đây là mạch đất thiêng, đắc địa” – một người dân cho biết.

Một người dân địa phương cũng cho biết thêm: "Ở đất Quảng Ninh này, do tồn tại từ thời kỳ trước, có nhiều ngôi đình cổ từng bị đập phá khiến việc thờ cúng, lễ hội của nhân dân bị gián đoạn hàng nửa thế kỷ như đình Đầm Hà của huyện Đầm Hà từng bị gián đoạn 52 năm. Nhưng đến nay đình Đầm Hà đã được xây dựng mới khang trang đẹp đẽ hơn, được cấp bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Chỉ có đình Yên Lập đến nay số phận vẫn "lênh đênh"...

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều bà con nhân dân ở thôn Yên Lập và phường Minh Thành đều bày tỏ mong muốn đình Yên Lập sớm được phục dựng, tôn tạo lại tại chính vị trí cũ. Việc phục dựng ngôi đình cổ có bề dầy truyền thống văn hóa là nguyện vọng rất chính đáng, không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà còn thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, cũng là niềm tự tôn, tự hào của người dân địa phương đối với truyền thống văn hóa của quê hương.

Rất mong chính quyền thị xã Quảng Yên và xã Minh Thành lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Diệu Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quang-ninh-so-phan-ky-la-cua-ngoi-dinh-thieng-tram-tuoi-tung-nhieu-lan-duoc-sac-phong-post434865.html