Quảng Ninh tập trung xây dựng nguồn nhân lực số
Song song với cải tiến thể chế và áp dụng công nghệ, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh tận dụng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số để thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Phát triển nguồn nhân lực số bài bản, chất lượng
Trong Nghị quyết 09-NQ/-TU của BTV Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, Quảng Ninh xác định tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp; cán bộ lãnh đạo phải chủ động, tiên phong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số.
Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; đến năm 2030; 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã xử lý công việc trên nền tảng số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được đình kỳ hằng năm tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về Chuyển đổi số.
Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh đã hoàn thành việc tạo tài khoản và xây dựng tài liệu để tổ chức triển khai tập huấn 02 khóa học: Chuyển đổi số cơ bản; Chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho khoảng 31.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh trên nền tảng OneTouch.
Đồng thời tỉnh đã tổ chức hơn 150 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về chuyển đổi số, xử lý toàn trình trên hệ thống chính quyền điện tử, ký số văn bản điện tử, sử dụng Cổng dịch vụ công tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia và số hóa hồ sơ giải quyết TTHC. Tháng 5/2023, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ cũng tổ chức đào tạo 2 lớp với gần 120 học viên về chuyển đổi số cho lãnh đạo các ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ban, ngành thuộc tỉnh.
Trong tháng 9/2023 tỉnh tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 1.985 người là cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tận dụng nguồn nhân lực
Để chuyển đổi số thực sự đi vào cuộc sống của người dân, Quảng Ninh đã linh hoạt vận động, khuyến khích mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp chung tay lan tỏa kiến thức, kỹ năng số.
Trong năm nay, tỉnh đã đào tạo cho 10.000 giáo viên tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học và các bậc phụ huynh trên địa bàn về giảng dạy kỹ năng số và an toàn Internet; làm bạn cùng con trên môi trường số.
Đối với việc phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người lớn tuổi, bà con dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, Tổ công nghệ số cộng đồng đã biết phát huy linh hoạt, hiệu quả nguồn nhân lực địa phương.
Đại diện Tổ công nghệ số cộng đồng xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên cho biết, với đặc thù địa phương có 45,6% dân số là người dân tộc thiểu số, không chỉ thành viên của Tổ mà ngay cả các cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh, người trẻ tuổi hiểu biết CNTT sinh sống ở các thôn, bản cũng được vận động, khuyến khích tham gia hướng dẫn người dân hiểu được tiện ích, ý nghĩa chuyển đổi số, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, những cách thức sử dụng các tiện ích số. Đơn giản như đăng ký cập nhật thông tin thuê bao chính chủ; đăng ký định danh điện tử; cài đặt ứng dụng VNeID; cài đặt chữ ký số cá nhân; tạo hộp thư điện tử; tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến; tạo tài khoản ngân hàng internet banking.
Các doanh nghiệp trong tỉnh được khuyến khích chủ động tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người đứng đầu các doanh nghiệp và người lao động.
Chuẩn bị nguồn nhân lực số tương lai
Để đáp ứng yêu cầu nhân lực công nghệ số, chuẩn bị nguồn nhân lực số tương lai, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đã mở thêm chuyên ngành đào tạo, tăng cường hợp tác triển khai nhiều dự án, chương trình đào tạo nguồn nhân lực số. Đơn cử, tại Trường Đại học Hạ Long, bắt đầu năm học 2023-2024, nhà trường đã mở thêm ngành Khoa học máy tính với 100 chỉ tiêu, bắt đầu đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học máy tính (Trí tuệ nhân tạo). Trước đó, trường đã có ngành CNTT, từ năm học 2015-2020 xét tuyển 50 chỉ tiêu, nhưng đến nay đã tăng gấp đôi. Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh cũng tuyển sinh 70 chỉ tiêu ngành CNTT tập trung chuyên môn về hệ thống thông tin, mạng máy tính, công nghệ phần mềm. Các trường trường THCS, THPT toàn tỉnh cũng tập trung nâng cao chất đào tạo tin học, kỹ năng số.
Cùng với đó, Quảng Ninh thực hiện nhiều chính sách thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại tỉnh. Ưu tiên tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thực tế ảo, an toàn thông tin... Nâng cao chất lượng cuộc thi, giải thưởng nghệ thông tin, sáng tạo khoa học - kỹ thuật của tỉnh nhằm tôn vinh danh hiệu tri thức tiêu biểu để phát hiện và tìm kiếm nhân tài; khuyến khích các tài năng từ ngay khi còn trên ghế nhà trường tham dự các cuộc thi quốc gia.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quang-ninh-tap-trung-xay-dung-nguon-nhan-luc-so-2221710.html