Quảng Ninh thúc đẩy phát triển kinh tế số

Kinh tế số đang được tỉnh Quảng Ninh xác định là cơ hội để tạo đột phá trong phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chính vì vậy, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện nhiều giải pháp để từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Mở rộng triển khai mô hình Chợ 4.0

Thanh toán điện tử đang phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đều thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội. Việc thu ngân sách nhà nước, thanh toán viện phí, học phí, tiền điện nước hàng tháng, các loại phí, lệ phí trong giao dịch thủ tục hành chính, phí tham quan Vịnh Hạ Long cũng thực hiện trực tuyến không dùng tiền mặt.

Theo thống kê, trong tháng 5/2024, đã có hơn 65 tỷ đồng phí tham quan Vịnh Hạ Long và hơn 10 tỷ đồng phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính được thu trực tuyến...

Cùng với việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt ở các khu trung tâm dịch vụ thương mại, khu hành chính, 13/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 đối với các chợ trung tâm và chợ hạng I truyền thống trên địa bàn. Nhờ đó, người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa…

Gian hàng thương mại điện tử tại hội chợ OCOP Quảng Ninh. Ảnh: Minh Đức.

Gian hàng thương mại điện tử tại hội chợ OCOP Quảng Ninh. Ảnh: Minh Đức.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng triển khai mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu triển khai tại 100% các chợ trên địa bàn, Quảng Ninh đang yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch hằng năm tiếp tục duy trì hiệu quả và mở rộng triển khai mô hình Chợ 4.0 và nâng cao tỷ lệ số hộ kinh doanh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các chợ hạng 1 và chợ hạng 2 trong năm 2024.

Đồng thời, các địa phương cũng đang nghiên cứu mở rộng, phấn đấu triển khai hiệu quả tại 100% các chợ trên địa bàn trong năm 2025. Tỉnh Quảng Ninh cũng giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp thực hiện hướng dẫn các hộ kinh doanh tại các chợ khởi tạo và sử dụng mã QR để thực hiện thanh toán các giao dịch, đảm bảo kết nối, liên kết các tài khoản ngân hàng với ví điện tử của các đơn vị viễn thông được đồng nhất.

Cùng với mô hình Chợ 4.0, hiện Quảng Ninh cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với kết quả 13/13 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện đạt 89,41%; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước đạt 84,19%...

Trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu, 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu, như: Thanh toán qua thẻ ngân hàng, QR code, ví điện tử hoặc thẻ xăng dầu.

Được biết, trong thời gian qua, cơ quan thuế tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy mạnh triển khai giải pháp hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền. Tính đến nay đã có 1.760/1.781 người nộp thuế (gồm doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh) đã sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền cho hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng đạt 98,82%.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định: "Vấn đề quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm, nỗ lực của người đứng đầu các cấp, nâng cao ý thức, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Các cấp ngành của Quảng Ninh được yêu cầu nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số của từng ngành rà soát hiện trạng để đầu tư, nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị CNTT, qua đó đảm bảo nhiệm vụ chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh".

Phát triển mua sắm trực tuyến

Bên cạnh việc đẩy mạnh thanh toán điện tử, để đáp ứng xu hướng mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đang nở rộ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thậm chí người nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã thích ứng nhanh, tự tạo kênh bán hàng riêng của mình, tự đăng các sản phẩm rao bán, livestream bán hàng trực tuyến.

Một phiên livestream bán hàng trực tiếp tại hội chợ. Ảnh: Tiến Dũng.

Một phiên livestream bán hàng trực tiếp tại hội chợ. Ảnh: Tiến Dũng.

Như cuối tháng 5/2024, người nông dân tại TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện livestream để có thể quảng bá, bán vải chín sớm - một sản phẩm OCOP nổi tiếng của địa phương.

Trong năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh xác định phát triển mạnh kinh tế số, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% trong GRDP và đến năm 2030 chiếm khoảng 35%.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có gần 350 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada…Bên cạnh đó, hơn 160 sản phẩm OCOP đã lên sàn Voso.vn, hơn 100 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart.vn.

Tại Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang có gần 150 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu và bán gần 400 sản phẩm thuộc các ngành hàng: Thực phẩm - ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất, trang trí, lưu niệm và dịch vụ...

Ông Nguyễn Kiên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh, cho biết: "Trung tâm đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, khóa tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng thực thi pháp luật về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến để bảo vệ quyền lợi cho người kinh doanh chính đáng cũng như người tiêu dùng trên các nền tảng thương mại điện tử".

Thế An

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quang-ninh-thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-152780.html