Quảng Ninh: Tích cực triển khai Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội
Nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã nhanh chóng được triển khai tại Quảng Ninh.
Quảng Ninh: Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa XIV thông qua 8 nghị quyết Quảng Ninh: Phát triển kinh tế đêm là xu thế tất yếu
Đưa chính sách vào cuộc sống
Chị Nguyễn Thị Hạt, khu 6, phường Yên Giang, thị xã (TX) Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, nuôi 2 con trong độ tuổi đi học. Vì vậy, chị Hạt không có tiền để mua máy tính cho con học tập. Trước hoàn cảnh của chị, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Quảng Yên (Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh) đã phối hợp với phường Yên Giang bình xét, hướng dẫn, hỗ trợ chị Hạt vay 10 triệu đồng để mua máy tính cho con đang học lớp 6.
Chị Hạt là một trong số những hộ dân của tỉnh Quảng Ninh được vay vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, theo Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm.
Đây cũng là chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11/NQ-CP lần đầu tiên được triển khai nhằm giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin, trang bị kiến thức, vươn lên trong học tập; đồng thời, góp phần hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Nghị quyết 11/NQ-CP, Quảng Ninh được phân bổ nguồn vốn là 281,7 tỷ đồng để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách gồm: Cho vay giải quyết việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.
Trên cơ sở rà soát đúng, đủ, chính xác các đối tượng có nhu cầu vay vốn, tính đến hết tháng 5/2022 (sau 1 tháng được phân bổ vốn), Quảng Ninh đã triển khai cho 966 lượt khách hàng vay vốn số tiền 67,9 tỷ đồng, theo Nghị quyết 11/NQ-CP.
Thực hiện Nghị định 36/2022/NĐ-CP ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh sẽ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất với mức 2%/năm đối với 11 chương trình tín dụng có lãi suất vay vốn trên 6%/năm.
Theo rà soát, 5 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai cho 10.488 lượt khách hàng vay vốn với số tiền 558 tỷ đồng đối với các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất trên 6%/năm.
Các khoản vay đủ điều kiện sẽ được phòng giao dịch Ngân hàng CSXH nơi cho vay thực hiện hỗ trợ lãi suất khi có thông báo cấp vốn của trung ương.
Phục hồi toàn diện
Quảng Ninh là một trong 4 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước. Hiện, độ bao phủ vắc-xin của tỉnh ở các đối tượng đều cao hơn cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vắc-xin vẫn là “chìa khóa” phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương tận dụng quỹ thời gian trong thời gian nghỉ hè để tập trung tổ chức tiêm chủng thành công, an toàn, hiệu quả. Phấn đấu trước năm học mới 2022-2023, Quảng Ninh sẽ hoàn thành cơ bản tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi, theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Đồng thời, triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 (liều nhắc lại) cho các đối tượng theo hướng dẫn. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 368.000 người thuộc đối tượng tiêm chủng mũi 4. Căn cứ vào lượng vắc-xin được Bộ Y tế phân bổ, tỉnh tiếp tục triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho các đối tượng tiêm chủng trong tháng 6 và tháng 7/2022.
Du lịch là ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau hơn 2 năm “đóng băng” bởi dịch Covid-19. Ngay sau khi mở cửa trở lại từ ngày 15/3, Quảng Ninh đã “tung ra” hàng loạt hoạt động kích cầu với sự chuẩn bị bài bản, chu đáo, kỹ lưỡng.
Nhằm thu hút du khách, địa phương này đã triển khai hàng loạt các sự kiện, hoạt động, sản phẩm du lịch mới, lạ, độc đáo. Có thể kể đến như: Festival áo dài, Carnaval Hạ Long, phố đêm du thuyền, phố ẩm thực, lễ hội thả diều Hạ Long… Đồng thời, tỉnh tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng có của từng địa phương trong tỉnh hướng Quảng Ninh thành điểm đến 4 mùa.
Sau hàng loạt các hoạt động, chỉ tính riêng tháng 5, lượng khách du lịch tới Quảng Ninh đã đạt 1,2 triệu lượt, lũy kế 5 tháng đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh thu du lịch tháng 5 ước đạt 3.000 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng ước đạt gần 8.900 tỷ đồng, hoàn thành và vượt trước chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 8%, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2021. Con số này đã cho thấy sự phục hồi tích cực của ngành du lịch Quảng Ninh thời gian qua.
Tận dụng những thời cơ của du lịch hè cho việc phục hồi, Quảng Ninh sẽ tập trung làm mới các sản phẩm của các loại hình như: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch chăm sóc sức khỏe... Đồng thời, tỉnh chủ động áp dụng công nghệ vào hoạt động du lịch, khuyến khích các đơn vị tham gia vào các nền tảng du lịch trực tuyến, tạo điều kiện cho du khách tra cứu thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán trực tuyến.
Quảng Ninh cũng đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến giá cả, phong cách, chất lượng dịch vụ.
Nhằm duy trì đà tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu đề ra, phục hồi kinh tế, năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu phải thu hút được 1,3 tỷ USD từ các dự án FDI. Do đó, từ đầu năm đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh đã chủ động kết nối, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp có ý tưởng nghiên cứu đầu tư vào địa bàn Quảng Ninh. Trong đó, ưu tiên những dự án FDI có số vốn lớn, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường, ít sử dụng tài nguyên và tạo ra giá trị gia tăng cao.
Hiện, toàn tỉnh có 217 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực, gồm 85 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỷ 251 triệu đô la Mỹ và 132 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 50.000 tỷ đồng. Các dự án này đã và đang là động lực quan trọng thúc đẩy ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Kết quả có được từ dòng vốn FDI đã khẳng định Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện, hiệu quả của nhà đầu tư, nhất là trước những bất ổn của tình hình khu vực và thế giới./.