Quảng Ninh tiến gần tới mục tiêu về tăng trưởng kinh tế
Với chủ đề công tác năm 2022: 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; giữ vững đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao', 9 tháng năm 2022, Quảng Ninh đã quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp ổn định sản xuất kinh doanh, khôi phục nhanh chóng ngành du lịch, dịch vụ thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển KT-XH. Nhờ đó, tỉnh đã giữ vững đà tăng trưởng hai con số với GRDP 9 tháng đạt 10,21%, cao hơn 1,36 điểm % so với cùng kỳ.
Để có kết quả này, ngay từ những ngày đầu năm, Quảng Ninh đã quyết tâm hoàn thành mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2022 đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng. Nhiều giải pháp hiệu quả đã được tỉnh triển khai nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh, an dân, an ninh, trật tự xã hội, vừa duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH. Trong đó, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách đúng đắn, triển khai kịp thời, nhanh chóng, đúng thời điểm để phục hồi mạnh mẽ, vững chắc ngành du lịch.
Để chủ động “đón sóng du lịch” sau đại dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022, gắn với triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh theo Nghị quyết 51/NQ-HĐND ngày 9-12-2021 của HĐND tỉnh. Ngay trước khi mở cửa du lịch vào 15/3, tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện và phương án chào đón du khách trở lại với việc duy trì áp dụng chính sách giảm 50% phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bảo tàng tỉnh và Khu di tích Yên Tử đến hết tháng 6/2022; ban hành chương trình kích cầu du lịch với 65 sự kiện văn hóa, thể thao cấp tỉnh và địa phương; chuẩn bị chu đáo cho SEA Games 31, Ngày Quốc tế Yoga và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022...
Tỉnh đã tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong năm 2022, tập trung vào cao điểm mùa hè với các sự kiện tiêu biểu như: Lễ hội Carnaval Hạ Long 2022, lễ hội áo dài, liên hoan ẩm thực, liên hoan xiếc quốc tế... Đặc biệt, với việc tổ chức thành công 7 môn thi đấu SEA Games 31 tại địa phương, tỉnh đã lan tỏa hình ảnh một Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp - văn minh - hiện đại, “điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”.
Đồng thời, để thu hút du khách, Quảng Ninh đang đổi mới mạnh mẽ chiến lược truyền thông, chủ động áp dụng công nghệ vào hoạt động du lịch, khuyến khích các đơn vị tham gia vào các nền tảng du lịch trực tuyến, tạo điều kiện cho du khách tra cứu thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán trực tuyến. Tỉnh cũng tổ chức các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm cho các doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan báo chí truyền thông, tăng cường kết nối hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh và các địa phương trọng điểm du lịch trong việc quảng bá xúc tiến du lịch; phối hợp với Tổng cục Du lịch và các cơ quan ngoại giao để quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường quốc tế. Nhờ đó, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 9,17 triệu lượt, gấp 3,55 lần so với cùng kỳ.
Song song với phát triển du lịch, Quảng Ninh cũng phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Tỉnh đã kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để ngành than phát triển ổn định và tăng sản lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế; bảo đảm không để thiếu than cho sản xuất điện và không để thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Đồng thời, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 16-11-2020 của Tỉnh ủy nhằm phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mì... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa. Dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng cũng được khai thác tối đa, gắn với việc thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh ký kết bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án FDI tiêu biểu trên địa bàn tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 (tháng 7-2022). Ảnh: Đỗ Phương
Quảng Ninh cũng quyết liệt chỉ đạo công tác điều hành thu - chi ngân sách năm 2022. Trong đó, tập trung chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu NSNN, triệt để tiết kiệm các khoản chi để tăng chi đầu tư phát triển, ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, giáo dục, y tế, nhất là đầu tư phát triển giáo dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố hệ thống y tế ở cơ sở.
Trong 9 tháng qua, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt 40.630 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 29.830 tỷ đồng, tăng 13%. Tỉnh cũng đã hoàn thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay. Đồng thời, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17-5-2021 của Tỉnh ủy, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nông, lâm, ngư nghiệp.
Với những kết quả kể trên, Quảng Ninh hoàn toàn có thể tự tin vào việc hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) cả năm đạt trên 11%, tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng đã đặt ra từ đầu năm.