Quảng Ninh: Xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật trong kinh doanh
Tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện, xử lý các lô hàng giả, không rõ nguồn gốc; chú trọng kiểm soát tại các địa bàn biên giới không để hình thành điểm nóng.
Phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh liên tiếp phát hiện, xử lý và thu giữ nhiều lô hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Qua đó cho thấy, vấn nạn này ngày càng tinh vi và nguy hiểm.

Đội Quản lý thị trường số 1, kiểm tra hộ kinh doanh Đức Phúc do ông Nguyễn Văn Tuyên làm chủ. (Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh)
Điển hình, vào 10 giờ 30 phút ngày 15/5, tại phường Cẩm Thủy, TP. Cẩm Phả, Đội Quản lý thị trường số 1 (QLTT) - Chi cục QLTT, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Đức Phúc do ông Nguyễn Văn Tuyên làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh của cơ sở này có trên 2,1 tấn thực phẩm gồm: Mỡ lợn, mực ống, ruốc gà, vụn cá… Qua xác minh, toàn bộ số hàng hóa đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trị giá lô hàng vi phạm ước tính khoảng 95 triệu đồng.
Đội QLTT số 1 đã lập biên bản kiểm tra, tiến hành tạm giữ toàn bộ số tang vật vi phạm để xử lý theo quy định. Đồng thời, thực hiện hoàn tất hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hộ kinh doanh với khung phạt là 70 triệu đồng.
Trước đó, ngày 14/5, tại quốc lộ 18A thuộc địa phận phường Bãi Cháy (TP. Hạ Long), Đội QLTT số 1, Chi Cục QLTT (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh) phối hợp với Đội tuần tra kiểm soát giao thông số 2 (Công an tỉnh Quảng Ninh) tiến hành kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 29H-884.61 do ông Nguyễn Văn Hạnh điều khiển. Qua kiểm tra, đã phát hiện trên xe vận chuyển 247 sản phẩm hàng hóa do nước ngoài sản xuất, gồm: Hộp sữa bột, sản phẩm là thực phẩm và thực phẩm chức năng, mỹ phẩm….

Lực lượng Quản lý thị trường số 1 (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh) kiểm đếm tang vật tạm giữ trên xe do ông Nguyễn Văn Hạnh điều khiển. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh
Toàn bộ hàng hóa có trị giá ước tính khoảng 67 triệu đồng, chủ phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đội QLTT số 1, tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tương tự, ngày 22/4, Đội QLTT số 3 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lương (tại số nhà 12, tổ 31, khu Đông Tiến 2, phường Cẩm Đông, TP. Cẩm Phả). Quá trình kiểm tra, xác minh, Đội QLTT số 3 đã phát hiện hộ kinh doanh do bà Nguyễn Thị Lương là chủ hộ kinh doanh có hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chủ hộ không cung cấp được hóa đơn, chứng từ liên quan. Đội đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc và trình UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh số tiền 77,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.
Xử lý nhanh, dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh
Mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt vào cuộc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tuy nhiên, hành vi, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp, khiến công tác kiểm soát thị trường gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Đình Hưng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng. Hàng giả trà trộn trong các lô hàng, ẩn nấp dưới danh nghĩa hàng xách tay, hàng khuyến mãi hay các đơn hàng thương mại điện tử.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, xử lý hàng hóa nhập lậu kinh doanh trên môi trường mạng Facebook tại TP. Móng Cái. Ảnh: Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh)
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra, tuyên truyền và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm. Đơn vị chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát thị trường, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh qua mạng, livestream, sàn thương mại điện tử - nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng giả, hàng nhái hiện nay. Ngoài ra, lực lượng QLTT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an, hải quan, biên phòng và chính quyền địa phương trong nắm tình hình, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ QLTT, nhất là trong lĩnh vực đấu tranh với tội phạm thương mại điện tử và sở hữu trí tuệ - ông Nguyễn Đình Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Lê Hồng Giang, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, ngành Công Thương tỉnh đã chủ động tham mưu kịp thời để UBND tỉnh ban hành các chỉ đạo triển khai các chủ trương của Trung ương. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn cơ sở kinh doanh ký cam kết chấp hành quy định pháp luật. Cùng với đó, ứng dụng phần mềm quản lý chấp hành của các tổ chức, cá nhân theo từng địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu cộng tác viên, khai thác hiệu quả kênh thông tin từ người dân; phối hợp liên ngành, liên cấp để tăng cường kiểm tra và kịp thời xử lý vi phạm…
Thời gian tới, xác định công tác chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm soát hiệu quả hoạt động kinh doanh qua mạng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các mặt hàng có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng như: Sữa, đồ uống, thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, chú trọng kiểm soát tại các địa bàn biên giới, nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về buôn lậu, gian lận thương mại để xử lý nhanh, dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh, không để hình thành điểm nóng.
Với quyết tâm cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn môi trường kinh doanh lành mạnh, từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng QLTT toàn tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra 313 vụ, phát hiện xử lý 311 vụ/311 đối tượng/364 hành vi vi phạm hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng số tiền xử phạt trên 11,2 tỷ đồng (xử lý vi phạm thương mại điện tử chiếm khoảng 16%).