Quang Sơn khai thác lợi thế để phát triển
Vận động người dân tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, khai thác thế mạnh để chuyển đổi ngành nghề; quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Đó là những giải pháp được xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) tập trung triển khai trong thời gian qua nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Ông Khúc Kim Quảng, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn, thông tin: Trong 1.431ha diện tích tự nhiên toàn xã thì đất nông lâm nghiệp chiếm 59%; có 70% số hộ sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Chính vì vậy để tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua xã đẩy mạnh phối hợp với các ngân hàng giúp người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất... Tính riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện xã có 337 hộ dân vay với tổng dư nợ trên 16 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với ngành chức năng triển khai các chương trình tập huấn kiến thức sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển giao kỹ thuật; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và sản suất theo quy trình VietGAP.
Kết quả, năm 2024, lần đầu tiên xã đã có 13,5/117ha chè kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Toàn xã hiện có 439ha đất lâm nghiệp được phủ xanh bằng các giống keo lai, bạch đàn (đạt tỷ lệ 100%); 3 trang trại, 15 gia trại (tăng 7 gia trại so với năm 2020); 115ha cây ăn quả với các loại na, nhãn, bưởi, ổi, táo (tăng 15% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025).
Cùng với sản xuất nông nghiệp, với lợi thế có Quốc lộ 1B đi qua địa bàn, xã Quang Sơn luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân ở 3 xóm La Giang, Đồng Thu và Trung Sơn sinh sống dọc Quốc lộ và người dân xóm Đồng Tâm (khu vực trung tâm xã) xây dựng cơ sở sản xuất, thương mại dịch vụ. Qua đó, đến nay toàn xã có trên 230 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Anh Lưu Quang Vinh, chủ hộ kinh doanh ở xóm Đồng Thu, chia sẻ: Nhận thấy trên địa bàn có nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng thường xuyên qua lại nên tôi mở gara sửa chữa ô tô. Ga ra của tôi hoạt động ổn định 20 năm nay, tạo việc làm cho 1 đến 4 lao động địa phương với thu nhập 6 đến 8 triệu đồng/tháng.
Quan tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã trong những năm gần đây. Năm 2021, UBND tỉnh có quyết định thành lập Cụm công nghiệp (CCN) Quang Sơn 1 (khu A) tại xóm Thống Nhất với diện tích 15,3ha. Ngay sau đó, chính quyền xã Quang Sơn đã nỗ lực phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện cùng doanh nghiệp triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến nay, tại CCN có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy, trong đó 1 nhà máy đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Không riêng CCN, với cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, đến nay trên địa bàn xã có 13 công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, 1 doanh nghiệp dịch vụ vận tải, 20 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) (tăng 3 công ty, 6 cơ sở sản xuất TTCN so với năm 2020); có 9 điểm mỏ khai thác đá, 1 điểm mỏ khai thác đất san lấp, 1 nhà máy sản xuất xi măng.
Các đơn vị này đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động địa phương với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đời sống kinh tế của người dân xã Quang Sơn đã được nâng lên. Năm 2024, xã giảm 9 hộ nghèo, cận nghèo (đạt 128,5% kế hoạch năm), tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện là 5,2%, hộ cận nghèo 4,5%. Thu nhập bình quân người dân năm 2024 là 42 triệu đồng/người/năm (tăng 7 triệu đồng so với năm 2020).
Nói về nhiệm vụ thời gian tới, ông Khúc Kim Quảng cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, tăng giá trị kinh tế; khuyến khích phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.