Quảng Trị: Bãi tập kết cát trái phép đe dọa sông Thạch Hãn

Bãi tập kết cát trái phép nằm sâu trong rừng tràm khu vực khe Trái xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) hoạt động trong thời gian dài đe dọa dòng sông Thạch Hãn lịch sử.

Quảng Trị: Bãi tập kết cát trái phép đe dọa sông Thạch Hãn

Do nhu cầu xây dựng tăng cao và lợi nhuận từ việc mua bán cát, sỏi mang lại nguồn lớn nên tại sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đoạn chảy qua thôn Như Lệ, xã Hải lệ (thị xã Quảng Trị) những năm qua luôn “nóng” về tình trạng khai thác cát dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý.

Bãi tập kết cát trái phép tại khu vực khe Trái xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị).

Bãi tập kết cát trái phép tại khu vực khe Trái xã Hải Lệ (thị xã Quảng Trị).

Tuy nhiên, ngoài hoạt động khai thác cát rầm rộ, theo phản ánh của người dân, việc xuất hiện một số bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn này trong thời gian mới đây đã tạo điều kiện cho “cát tặc” lộng hành, khiến cuộc sống bị đảo lộn, môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cuối con đường bê tông xi măng ở thôn Như Lệ (xã Hải Lệ) là đoạn đường đất lầy lội, nham nhở dài gần 4km trước khi đến được bãi tập kết cát “khủng” nằm ở khu vực khe Trái, sâu trong rừng keo, tràm mà người dân phản ánh.

Qua ghi nhận, bãi tập kết cát nằm ngay cạnh một nhánh sông vô cùng thuận tiện cho việc thuyền đưa cát về tập kết. Xung quanh bến bãi chẳng có bảng hiệu, tường rào che chắn cũng như không có hệ thống xử lý chất thải. Cát đưa đến đây được tập kết tràn lan, chất thành đống cao.

Ngoài giấy viết tay thuê đất của người dân, bến bãi tập kết này không hề có bất cứ giấy phép gì.

Ngoài giấy viết tay thuê đất của người dân, bến bãi tập kết này không hề có bất cứ giấy phép gì.

Thời điểm PV có mặt một chiếc thuyền đang đưa “hàng” về nhập, vòi hút được nối thẳng xuống thuyền để hút cát lên bãi, khiến nước thải chảy lênh láng xung quanh.

Tại bến bãi này, ông Bùi Ngọc Hải (trú tại Gio Linh, Quảng Trị) - người quản lý và chịu trách nhiệm về bến bãi tập kết cát để thực hiện dự án cải tạo và tận thu đất, cát bồi lấp nhà dân tại xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong) cho hay, vì không có bến bãi tập kết nên ông đã xin di chuyển đất cát bằng đường sông về tập kết tại khe Trái xã Hải Lệ.

Qua trao đổi ông Hải tự giới thiệu trước đây ông từng làm Cảnh Sát Giao Thông sau đó chuyển về làm Phó trưởng công an xã Linh Hải (Gio Linh). Hôm nay ông xin nghỉ phép nên trực tiếp lên trông coi bến bãi.

“Khu đất này là bãi đổ thải của công trình cao tốc Cam Lộ - La Sơn, vì đã được san, gạt có sẵn mặt bằng nên tôi đã thuê đất của một người dân để làm bến bãi tập kết cát. Ngoài giấy viết tay, đến nay vẫn chưa có giấy phép gì”, ông Hải cho biết.

Theo ông Nguyễn Thuận – Chủ tịch xã Hải Lệ, bến bãi tập kết cát nói trên chỉ là nơi tập kết cát tạm thời và không hề có giấy phép gì cả.

Dù là bến bãi tập kết cát trái phép nhưng xã Hải Lệ vẫn chưa có động thái can thiệp, xử lý.

Dù là bến bãi tập kết cát trái phép nhưng xã Hải Lệ vẫn chưa có động thái can thiệp, xử lý.

Điều 10 Nghị định 23/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/4/2020) quy định bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông đã nêu rõ, khu vực bến, bãi chứa cát, sỏi nằm trong phạm vi cảng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Tại bến bãi phải lắp đặt bảng thông báo để công khai thông tin của bến bãi tập kết cát, sỏi với các nội dung: địa chỉ cung cấp cát, sỏi được tập kết tại bến bãi; lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi, diện tích bến bãi.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên bãi tập kết cát tại khu vực khe Trái lại không có những thông tin như quy định.

Người dân ở thôn Như Lệ (xã Hải Lệ) cho biết, lòng sông Thạch Hãn nhiều năm nay bị băm xới bởi tình trạng khai thác cát. Việc thành lập bến bãi tập kết sẽ tạo điều kiện cho “cát tặc” lộng hành hơn nữa, lòng sông càng ngày càng biến dạng, nhà cửa chênh vênh không biết lúc nào sẽ đổ ụp xuống sông.

Thiết nghĩ, việc lập bãi tập kết trái phép sẽ tạo điều kiện để 'cát tặc' lộng hành, ngang nhiên khai thác, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nếu cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị không có biện pháp ngăn chặn, xử lý thì không chỉ con sông lịch sử Thạch Hãn bị tàn phá dữ dội mà còn gây ra cho người dân nhiều thiệt hại nghiêm trọng, khó lường.

Nguyễn Hiền

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/quang-tri-bai-tap-ket-cat-trai-phep-de-doa-song-thach-han-d168004.html