Quảng Trị: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án băng tải than đá từ Lào về Việt Nam
Theo quyết định, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115m, công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 15 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 15 triệu tấn/năm.
Ngày 29/6, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Công ty TNHH Nam Tiến về dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Dự án với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ than trong nước, phục vụ phát triển ngành kinh tế. Đồng thời, giảm áp lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế La Lay, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 15D.
Theo quyết định, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115m nói trên sẽ kết nối với đoạn băng tải thuộc phạm vi nước bạn Lào, điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam - Lào, điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Dự án có địa điểm đầu tư tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với mục tiêu giảm áp lực thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Quốc lộ 15D.
Về quy mô, dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng 23,82 ha. Công suất thiết kế dự án 30 triệu tấn/năm. Trong đó giai đoạn 1 có công suất 15 triệu tấn/ năm.
Về quy mô kiến trúc xây dựng, tuyến băng tải vận chuyển than có tổng chiều dài 6.115 m được kết nối vào đoạn băng tải thuộc phạm vi nước bạn Lào, đi qua đường biên giới Việt Nam - Lào.
Dự án sẽ đầu tư đầy đủ hoàn thiện hệ thống, dây chuyền công nghệ từ khâu tiếp nhận than tại vị trí: Điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt Nam - Lào đến trạm chuyển tải TKB2 (phía Việt Nam), điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam (thôn A Đeng, xã ANgo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).
Toàn tuyến này được chia thành 7 đoạn và 7 trạm chuyển tải và các công trình phục vụ gồm: Các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây; hệ thống cung cấp điện, điều khiển; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu; hệ thống PCCC; hệ thống camera giám sát...
Về phân kỳ đầu tư các hạng mục dự án, trong giai đoạn 1 (dự kiến đầu tư năm 2024), sẽ đầu tư tuyến băng tải có tổng năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm). Tuyến băng tải được bố trí gồm 2 băng tải công suất mỗi băng là 1.500 tấn/h nằm song song trên hệ thống cột, dàn, cầu đỡ chung.
Giai đoạn 2 (dự kiến đầu tư năm 2030), dự án sẽ đầu tư bổ sung tuyến băng tải có tổng năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm), chạy song song và sát với tuyến băng tải giai đoạn 1.
Về tiến độ, trong giai đoạn 1, dự án dự kiến sẽ khởi công vào quý III/2025; lắp đặt thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ khác vào quý IV/2026. Đến quý I/2027, dự án được tổ chức nghiệm thu đưa vào hoạt động.
Trong giai đoạn 2, dự án dự kiến sẽ khởi công trong quý II/2030; lắp đặt thiết bị và các hạng mục công trình phụ trợ khác trong quý II/2031 và nghiệm thu đưa vào hoạt động trong quý IV/2031.
Dự án có tổng vốn đầu tư 1.489,27 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 297,85 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị tổng mức đầu tư dự án; vốn vay từ các ngân hàng thương mại: 1.191,41 tỷ đồng, chiếm 80% giá trị tổng mức đầu tư. Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu của tỉnh Quảng Trị để xuất khẩu qua các cảng biển ước tính khoảng 20 đến 30 triệu tấn mỗi năm, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nên Quảng Trị đang tìm đường vận chuyển thuận lợi.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương, đề xuất phương án vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, qua Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Quảng Trị đề xuất xây dựng một băng tải than đá từ Lào về đến cảng biển Mỹ Thủy, huyện Hải Lăng, công suất 1.500-6.000 tấn/giờ, chia làm nhiều giai đoạn đầu tư. Hệ thống sẽ vận chuyển từ 15-20 triệu tấn than đá từ Lào về Việt Nam mỗi năm.
Trong đó, đoạn phía Lào dài 85km từ mỏ than đến cửa khẩu La Lay, đoạn phía Việt Nam dài 75km từ cửa khẩu về cảng biển. Tổng mức đầu tư riêng đoạn ở Việt Nam dự kiến là 10.800 tỉ đồng. Ban đầu, nhà đầu tư sẽ xây dựng băng tải dài 5km, công suất 6.000 tấn/h ở cửa khẩu quốc tế La Lay, băng qua biên giới hai nước Việt Nam và Lào.