Quảng Trị, điểm hội tụ và hợp tác phát triển của Thái Lan
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị 'Gặp gỡ Thái Lan' lần đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại Quảng Trị, chiều 3-8-2023, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam tổ chức Chương trình 'Kết nối Quảng Trị - Thái Lan' với chủ đề 'Quảng Trị - Điểm hội tụ và hợp tác phát triển của Thái Lan trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC)'. Tham dự có ngài Nikorndej Balankura, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam; đại biểu các Bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp Thái Lan.
Mở ra nhiều cơ hội
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhấn mạnh, với phương châm "Doanh nghiệp phát triển, Quảng Trị phát triển", tỉnh Quảng Trị hoan nghênh chào đón, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Thái Lan đến với tỉnh Quảng Trị nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm kinh doanh, đầu tư, triển khai thực hiện dự án hợp tác kinh doanh và đầu tư. Với vị trí thuận lợi vừa nằm trên Hành lang kinh tế Bắc - Nam của Việt Nam, đồng thời là tỉnh "đầu cầu" về phía Đông của Việt Nam trên tuyến EWEC, Quảng Trị đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông mới, trong đó có cảng hàng không, cảng biển, đường cao tốc, đảm bảo luồng đầu tư và thương mại. Thu hút đầu tư vào Quảng Trị trong thời gian qua đang có xu hướng tăng nhanh, được nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, quy mô các dự án ngày càng lớn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây đồng thời là tín hiệu thể hiện sự tin tưởng của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư và sự nỗ lực của tỉnh Quảng Trị.
Đến nay, Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,5 tỷ USD, trong đó, có 7 dự án FDI của nhà đầu tư Thái Lan với tổng nguồn vốn đăng ký trên 109 triệu USD. Quảng Trị cũng đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch. Tuy nhiên, số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư tại Quảng Trị của Thái Lan hiện nay có thể nói chưa tương xứng với dư địa phát triển của tỉnh, tiềm năng các doanh nghiệp Thái Lan và mong muốn của hai bên. Sau sự kiện này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan sẽ có thêm một địa chỉ cụ thể nữa để quan tâm và có thêm cơ hội, điều kiện để thực hiện những quan tâm của mình trên mảnh đất Quảng Trị.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura bày tỏ sự vui mừng và cho biết tham gia cuộc gặp gỡ lần này có trên 150 thành viên thuộc Phái đoàn Thái Lan đến từ Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội, Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu đến từ tỉnh Mukdahan, tỉnh Ubon Ratchathani cùng đoàn đại diện khối DN Thái Lan. Ngài Nikorndej Balankura nhấn mạnh Quảng Trị được coi là địa điểm chiến lược trong tăng cường kết nối về kinh tế giữa Thái Lan và Việt Nam trên mọi cấp độ, đặc biệt ở cấp độ địa phương. Quảng Trị và Thái Lan có thể tăng cường trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế. Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan tại Việt Nam ủng hộ việc sớm xây dựng thỏa thuận thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Ubon Ratchathani trong năm 2023 để ghi dấu trở thành 1 trong những kết quả quan trọng trong dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa Thái Lan - Việt Nam. Nhân dịp này, ngài Nikorndej Balankura gửi lời cảm ơn tỉnh Quảng Trị đã luôn chăm lo cho các nhà đầu tư Thái Lan và khẳng định rằng các nhà đầu tư Thái Lan là những "nhà đầu tư chất lượng".
Lời mời gọi từ Quảng Trị
Với vị trí kinh tế quan trọng, với tiềm năng, lợi thế và quyết tâm cao trong cải cách chính sách, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, Quảng Trị là điểm đến phù hợp cho các nhà đầu tư nói chung và doanh nghiệp, nhà đầu tư Thái Lan nói riêng, góp phần tối ưu hóa những dư địa, tiềm năng và lợi thế của các bên, hình thành "sợi dây kết nối EWEC " giữa Quảng Trị với Thái Lan trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông mở rộng GMS. Thể hiện bằng hành động cụ thể, Quảng Trị giới thiệu đến các đại biểu Thái Lan các chính sách ưu đãi đầu tư, định hướng quy hoạch, thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn đến 2023, tầm nhìn 2050. Quảng Trị lựa chọn 5 ngành trọng điểm gồm: năng lượng, phát triển ngành du lịch, dịch vụ logistics; phát triển công nghiệp chế biến, tập trung vào công nghiệp silicat, chế biến gỗ, thủy sản, nông sản và nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh có 4 hành lang kinh tế động lực,bao gồm: Hành lang ven biển; Hành lang trung tâm; Hành lang Đông - Tây và Hành lang kinh tế biên giới.
Về hạ tầng: ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng và phát triển trục kết nối các vùng trọng điểm kinh tế như: Hành lang đường bộ từ cửa khẩu quốc tế La Lay về Mỹ Thủy kết nối với Lào -Thái Lan; hạ tầng logistic, cảng biển, sân bay; hạ tầng đô thị và hạ tầng công nghiệp. Thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu và mang lại giá trị thặng dư lớn như: năng lượng (điện khí, điện gió...); công nghiệp phụ trợ; chế biến gỗ; silicat; chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao; hạ tầng logistics; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử; trung tâm thương mại; bệnh viện và các cơ sở giáo dục chất lượng cao. Để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận cơ hội đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2022-2025. Trong đó, có một số dự án trọng điểm như: Nhà máy điện khí LNG Hải Lăng; xây dựng kho ngoại quan, trung tâm logistics; xây dựng cơ sở hạ tầng CK quốc tế La Lay; Khu dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt - Vĩnh Mốc; cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo...
Tại cuộc gỡ, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp Thái Lan và Quảng Trị đã có phần thảo luận và trao đổi tương tác giữa các bên nhằm trao cơ hội, thúc đẩy phát triển các lĩnh vực. Sở Ngoại vụ Quảng Trị và Hiệp hội doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) cũng ký kết tại sự kiện quan trọng này.
Khép lại phiên kết nối Quảng Trị - Thái Lan, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng bày tỏ hy vọng sự kiện này sẽ mở ra một thời kỳ hợp tác, phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả hơn giữa Việt Nam và Thái Lan nói chung, giữa tỉnh Quảng Trị với các địa phương, doanh nghiệp Thái Lan nói riêng.
Theo ông Võ Văn Hưng, đất nước Thái Lan tuy không có chung đường biên giới nhưng lại vô cùng gần gũi với đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Trị. Hằng ngày, trên các tuyến đường bộ, dòng người di chuyển giữa Quảng Trị với các tỉnh Thái Lan diễn ra khá nhộn nhịp. Nhiều người dân địa phương Quảng Trị có thể trao đổi thông thạo tiếng Thái Lan, ngược lại, nhiều người Thái Lan cũng nói tiếng Việt trôi chảy. Nếu di chuyển trên đường bộ, từ Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến thành phố Đông Hà trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và trên tuyến Quốc lộ 1A kết nối miền Bắc và miền Nam Việt Nam, có thể nhận ra những bảng hiệu, nhãn hàng viết bằng chữ Thái Lan. Đó là kết quả của quá trình kết nối, nỗ lực giao thương diễn ra trong rất nhiều năm, cũng là tiền đề quan trọng để chúng ta xúc tiến cơ chế hợp tác phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Ông Hưng kỳ vọng, với tiềm lực to lớn và kinh nghiệm phong phú của các nhà hoạch định, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương của Thái Lan, với dư địa, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Quảng Trị, và với quyết tâm mạnh mẽ của hai bên, hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng, tương lai hợp tác phát triển tốt đẹp hơn, khăng khít hơn giữa Quảng Trị với Thái Lan trong thời gian tới.