Quảng Trị đứng trước vận hội mới
Hàng loạt dự án giao thông và công nghiệp được định danh là động lực và đúng lúc cho kinh tế - xã hội (KT-XH) Quảng Trị nhiệm kỳ 2020-2025, đang vận hành và sẽ về đích đúng lộ trình.
Tất cả đang vẽ nên một bức tranh đầy triển vọng cho địa phương Bắc Trung Bộ này, với tinh thần bứt phá của quê hương anh hùng đất lửa...
Dấu ấn từ những dự án động lực
Ngày 31.12.2022 mới đây, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3km đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng vừa thông xe toàn tuyến. Dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có ý nghĩa quan trọng khi mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh nói riêng và khu vực Trung Bộ.
“Thời gian di chuyển giữa Quảng Trị đến các đô thị du lịch lớn có cảng hàng không quốc tế là Huế và Đà Nẵng đã được rút ngắn xuống một nửa. Các nhà đầu tư, doanh nhân quan tâm đến Quảng Trị sẽ không… ngại mỗi khi cần đến với đất lửa anh hùng”, ĐBQH - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Với riêng ngành GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng thông tin, tỉnh đã xin chủ trương và được Chính phủ cho phép khởi công Cảng hàng không Quảng Trị trong quý I.2023. Đây cũng là một thông tin vô cùng quan trọng với địa phương Bắc Trung Bộ này. “Sân bay mới ra đời sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng. Kế hoạch của tỉnh là khởi công sân bay đầu năm 2023, đưa vào vận hành năm 2025. Đây là quyết tâm của tỉnh, và thực hiện cơ chế đầu tư theo hình thức PPP”, ông Đồng khẳng định.
Là ĐBQH tỉnh Quảng Trị khóa thứ hai, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đầu tư xây dựng cảng hàng không sẽ tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương và đất nước. Do vậy, việc xây dựng sân bay là rất cần thiết đối với các địa phương. Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ đã phân cấp, phân quyền cho các địa phương để chủ động hơn trong đầu tư xây dựng cảng hàng không và đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Việc Quảng Trị giao Công ty CP Tập đoàn T&T lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định, phấn đấu khởi công xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị vào quý 1.2023 là hoàn toàn hợp lý.
Trên lộ trình trở thành trung tâm điện lực của Bắc Trung Bộ, tháng 8.2022, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đề nghị xem xét, bổ sung dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Cồn Cỏ vào quy hoạch phát triển điện lực. Dự án này có quy mô công suất 1.000 MW, địa điểm xây dựng ở vùng biển ngoài khơi đảo Cồn Cỏ và huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, khi hình thành cảng nước sâu Mỹ Thủy và Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng thì khu vực ven biển từ Triệu Phong đến Hải Lăng được kỳ vọng là đô thị trung tâm Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh Quảng Trị, từ đó hình thành hành lang kinh tế biển đa lĩnh vực, đa ngành nghề từ du lịch nghỉ dưỡng, khai thác, chế biến thủy hải sản, công nghiệp điện khí, dịch vụ logistics và cảng biển…
Ông Hà Sỹ Đồng cho biết, đầu tháng 10.2021, Quảng Trị trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng mang tầm quốc tế với giá trị phát triển bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cũng như thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và quốc tế.
Hiện rất nhiều nhà đầu tư đã đến Quảng Trị để tìm kiếm cơ hội kinh doanh nơi đây. 5 khu công nghiệp, 2 khu kinh tế, 17 cụm công nghiệp, nơi có sự hiện diện của 221 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 472.238 tỉ đồng là con số biết nói, thể hiện môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Điểm tựa thu hút đầu tư
Với vị thế nằm ở tuyến đầu của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và ở cuối quốc lộ 9, hệ thống cảng biển và đảo tiền tiêu Cồn Cỏ được xem là "điểm nhấn" nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, nhất là giúp cho việc lưu thông hàng hóa đường biển thuận lợi hơn giữa Việt Nam, Lào và Thái Lan. Cụ thể, Cảng biển nước sâu Mỹ Thủy được xác định có vị trí rất thuận lợi, có thể bảo đảm cho tàu 100.000 tấn cập bến. Cảng là dự án động lực góp phần hình thành và phát triển khu kinh tế…
Những km đường cao tốc đầu tiên đã đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị khi
Dự án Cam Lộ - La Sơn chính thức đưa vào khai thác từ 31.12.2022.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, Quảng Trị đang nỗ lực huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển KT-XH, phải quyết tâm và nỗ lực thu hút đầu tư với phương châm “đi sau, vượt trước”.
“Thứ nhất, tỉnh đang tập trung xây dựng, sớm hoàn thành lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch phải phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng, tạo bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế”, ông Đồng phân tích.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và minh bạch thông tin trong thu hút đầu tư. Có cơ chế thu hút, chọn lựa nhà đầu tư chiến lược, thực sự có năng lực, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Khuyến khích đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn vào các ngành, lĩnh vực ưu thế, tiềm năng của tỉnh dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch. Trong đó năng lượng là lĩnh vực đột phá phát triển, nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cuối cùng, tỉnh xác định hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai nhanh chóng sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, giải quyết nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư kinh doanh; triển khai các phương án ứng phó với Covid - 19 kết hợp với phát triển KT-XH của tỉnh, hỗ trợ thành phần kinh tế tư nhân ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.