Quảng Trị huy động nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm

Một trong những khâu đột phá phát triển Quảng Trị đặt mục tiêu là tập trung huy động đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ...

Ngày 31/12, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội đủ 5 loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, hàng không

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, trụ cột, trong đó xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị.

Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn qua tỉnh Quảng Trị.

Xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù. Phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ thành quả phát triển, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo; an sinh xã hội...

Các khâu đột phá phát triển là tập trung huy động đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh năng động của khu vực Bắc Trung Bộ; thực hiện chuyển đổi số cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, gắn kết với cải cách hành chính và đô thị thông minh, đổi mới quản trị theo hướng hiện đại để đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 tổ chức lễ Khởi động dự án PPP Cảng hàng không Quảng Trị ngày 15/12.

UBND tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 tổ chức lễ Khởi động dự án PPP Cảng hàng không Quảng Trị ngày 15/12.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo, trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển và đổi mới sáng tạo, trong môi trường số an toàn, rộng khắp. Tạo môi trường sinh sống và làm việc hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp- dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mê Kông (GMS). Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Về phát triển kết cấu hạ tầng, Quảng Trị sẽ phát triển đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không); xây dựng và nâng cấp các tuyến đường kết nối TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện với đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các tuyến giao thông quốc gia.

6 hành lang phát triển, điều chỉnh hướng tuyến và chuyển điểm đầu cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo

Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang thi công.

Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đoạn qua tỉnh Quảng Trị đang thi công.

Quy hoạch cũng nêu cụ thể phương án tổ chức hoạt động KT-XH; phương án phát triển ngành, lĩnh vực; trong đó có các tiểu vùng phát triển, các hành lang phát triển; phương án phân vùng chức năng không gian biển; phương hướng phát triển ngành quan trọng; phương án phát triển các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật...

Trong đó, các hành lang phát triển (HLPT) là các trục lõi động lực, đồng thời kết nối các tiểu vùng KT-XH, gồm: HLPT trung tâm (vùng trung du và đồng bằng cao- từ hai bên QL1 đến hai bên đường cao tốc Bắc - Nam), tập trung các hoạt động kinh tế công nghiệp, du lịch, dịch vụ, đào tạo… và đô thị, gắn với các hành lang hạ tầng kỹ thuật quốc gia theo hướng Bắc - Nam.

HLPT ven biển, trọng tâm là KCN khí, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ logistic, đô thị du lịch sinh thái biển và sinh thái vùng cát ven biển gắn với phục hồi hệ sinh thái.

HLPT Đông - Tây dọc theo QL9, khai thác tiềm năng và lợi thế của hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Lao Bảo - Đông Hà - Cửa Việt, phát triển logistics, thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống của dân cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Đoàn Caravan dừng chân chụp ảnh tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

Đoàn Caravan dừng chân chụp ảnh tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo.

HLPT Đông - Tây dọc theo QL15D, khai thác tiềm năng và lợi thế của hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Quốc tế La Lay - Cảng Mỹ Thủy, phát triển logistics, thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống của dân cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy tiềm năng kinh tế biển gắn với cảng biển quốc tế.

HLPT biên giới - hành lang phụ trợ, gắn với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, kết nối với các hành lang Đông - Tây để phát triển kinh tế vùng biên giới Việt - Lào, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực vùng núi, tổ chức một số điểm cao ngắm cảnh, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của dãy Trường Sơn từ trên cao, kết hợp với phát triển các điểm dân cư và đô thị gắn với du lịch sinh thái núi, tổ chức trải nghiệm văn hóa cộng đồng, dân tộc.

HLPT phụ trợ dọc theo đường 9D, kết nối các điểm đô thị Hồ Xá - Bến Quan - Hướng Phùng với không gian ven biển cũng như vùng núi phía Tây, khai thác đa dạng sinh thái, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch sinh thái - văn hóa - lịch sử, cộng đồng; phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, đặc biệt là cây công nghiệp, trồng rừng nguyên liệu...

Một góc cửa khẩu quốc tế La Lay.

Một góc cửa khẩu quốc tế La Lay.

Phương án phát triển các khu kinh tế (KKT), phát triển KKT Đông Nam thành KKT tổng hợp, đa ngành, là điển hình của phát triển hài hòa và hiệu quả giữa 3 lĩnh vực kinh tế - môi trường năng lượng, trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Trung Bộ, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng. Nghiên cứu mở rộng không gian phát triển KKT Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dọc QL15D.

Xây dựng KKT - Thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành KKT thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavằn (Lào); đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thiết yếu và hạ tầng dịch vụ đồng bộ, hiện đại tại khu cửa khẩu quốc tế La Lay; tăng cường hợp tác hoạt động giao thương, giao lưu văn hóa với nước bạn Lào, cũng như giữa các nước trên hành lang kinh tế Đông - Tây.

Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, gồm phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia và phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh.

Huyện đảo Cồn Cỏ.

Huyện đảo Cồn Cỏ.

Theo đó, thực hiện theo quy hoạch quốc gia đối với các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, cảng biển. Ngoài ra, đề xuất bổ sung quy hoạch cảng biển Vịnh Mốc. Điều chỉnh hướng tuyến và chuyển điểm đầu cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sang khu vực huyện Triệu Phong (Triệu Phong - Lao Bảo).

Bổ sung, nâng cấp, cải tạo để kết nối hiệu quả mạng lưới đường bộ của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH tại địa phương. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các loại bến xe các cấp để nâng cao chất lượng dịch vụ và tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng, dịch vụ vận tải.

Bổ sung tuyến vận tải Cửa Tùng - Cồn Cỏ vào danh mục các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo của quốc gia; quy hoạch nâng cấp tuyến sông Bắc Phước thành tuyến đường thủy nội địa địa phương; phát triển các bến thủy nội địa theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, đáp ứng đến năm 2030 đạt công suất khoảng 500.000 tấn/năm và 50.000 lượt hành khách/năm.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực sẽ nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến tránh đô thị, khu vực đèo dốc nguy hiểm, vị trí không thể mở rộng..., cũng như bổ sung các hạng mục công trình giao thông. Quy mô các tuyến đường địa phương xác định trong quy hoạch tỉnh là quy mô tối thiểu, trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, tùy theo nhu cầu vận tải sẽ xác định quy mô thực tế của tuyến đường.

Phối cảnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu bến cảng Mỹ Thủy tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Phối cảnh quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu bến cảng Mỹ Thủy tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Đối với các tuyến quốc lộ qua đô thị, trường hợp cần thiết sẽ xây dựng hệ thống đường song hành hoặc đường gom, để đảm bảo không làm ảnh hưởng tới năng lực thông hành của các quốc lộ, sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương.

Đối với phương án phát triển hạ tầng logistics, định hướng phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn tại các khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế như: KKT Đông Nam, Lao Bảo, La Lay, Cam Lộ, Hải Lăng, Bắc Cửa Việt, Nam Cửa Việt, KCN Quán Ngang, Đông Hà, Cảng hàng không Quảng Trị, cảng Vịnh Mốc...

Đầu tư hệ thống kho bãi vận tải theo nhu cầu phát triển, trong từng giai đoạn để bổ trợ, phát huy tối đa hiệu quả các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh.

Ngoài 5 loại hình vận tải truyền thống như đề xuất, nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các loại hình vận tải, bao gồm các loại hình có ưu thế vận tải tại các khu vực có địa hình phức tạp như vận tải băng chuyền, vận tải đường ống.

Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quang-tri-huy-dong-nguon-luc-thuc-hien-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-192231231230234899.htm