Quảng Trị kêu gọi đầu tư vào nhiều khu du lịch sinh thái

Khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi thuộc huyện Đakrông, có quy mô 120ha, xác định đây là khu du lịch sinh thái mạo hiểm, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và du lịch cộng đồng...

Thác Ba Vòi nằm giữa rừng Trường Sơn hùng vĩ với bạt ngàn cây cổ thụ. Ảnh: Hoàng Táo

Thác Ba Vòi nằm giữa rừng Trường Sơn hùng vĩ với bạt ngàn cây cổ thụ. Ảnh: Hoàng Táo

UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Brai-Tà Puồng và khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi. Đây là cơ sở để tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư khai thác, phát huy thế mạnh của khu du lịch trong hệ thống liên kết du lịch của tỉnh này với các tỉnh khác trong khu vực.

Theo quy hoạch khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi thuộc huyện Đakrông, có quy mô 120ha, xác định đây là khu du lịch sinh thái mạo hiểm, nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và du lịch cộng đồng.

Khu du lịch Ba Vòi được chia theo các phân khu chức năng: Phân khu 1 là khu vực du lịch mạo hiểm có diện tích khoảng 24ha, gồm các không gian cảnh quan đặc biệt vùng lõi thác, tham quan bãi đá, suối cạn, dừng nghỉ ven suối.

Phân khu 2 là khu vực du lịch dưới tán rừng có diện tích khoảng 19,5ha, gồm các không gian du lịch dưới tán rừng và giáo dục bảo vệ rừng, dừng nghỉ ven suối và cứu hộ.

Phân khu 3 là khu vực bảo vệ cảnh quan có diện tích khoảng 9,5ha, gồm các không gian ngắm suối, cảnh quan thiên nhiên, dừng nghỉ ven suối và cứu hộ.

Phân khu 4 là khu vực trung tâm du lịch có diện tích khoảng 43ha, gồm khu đón tiếp, dịch vụ ăn uống, công viên, bãi đỗ xe kết hợp điểm dừng nghỉ, khu tái định cư, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Phân khu 5 là khu vực du lịch cộng đồng có diện tích khoảng 24ha, gồm khu dân cư kết hợp dịch vụ lưu trú homestay, khu sinh hoạt cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, khu cắm trại dưới tán rừng.

Theo quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan của đồ án, đối với khu vực có rừng đặc dụng và rừng phòng hộ cần bảo tồn tuyệt đối cảnh quan sinh thái tự nhiên, chỉ được xây dựng công trình thiết yếu như đường đi dạo tham quan, các điểm dừng chân nghỉ ngơi tại các khu bãi đất, đá trống bằng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Đối với khu vực dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí bố trí nằm ngoài phạm vi đất có rừng tự nhiên; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đảm bảo hài hòa giữa không gian phát triển du lịch với không gian sinh hoạt cộng đồng, khai thác và phát triển du lịch cộng đồng.

Thác Ba Vòi nằm phía dưới đỉnh núi Voi Mẹp (Tá Linh Sơn), đỉnh có độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển, là đỉnh núi cao nhất tỉnh Quảng Trị. Nước trên đỉnh thác chia thành ba dòng chảy xuống vách đá dựng đứng nên người địa phương gọi là thác Ba Vòi. Nơi đây cảnh tượng hùng vĩ, khí hậu trong lành, thác nằm giữa những cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ.

Khu Du lịch sinh thái thác Ba Vòi được quy hoạch nằm trong phạm vi trung điểm các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng, đặc biệt là nằm trong bản đồ du lịch quốc tế trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Mặc dù độc đáo, hiếm có nhưng do chưa được đầu tư và hệ thống hạ tầng dịch vụ đang đơn sơ nên quy mô khách du lịch đến tham quan thác Ba Vòi khá ít.

Trên cơ sở đồ án được phê duyệt và các chính sách được ban hành trên, tỉnh Quảng Trị kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái thác Ba Vòi nhằm khai thác, phát huy hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hình thành một khu chức năng về văn hóa du lịch, thưởng ngoạn, nghiên cứu và giáo dục, bảo vệ môi trường.

Du khách tham quan, trải nghiệm thác Tà Puồng. Ảnh: Tú Linh

Du khách tham quan, trải nghiệm thác Tà Puồng. Ảnh: Tú Linh

Tiếp đến, theo quy hoạch khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng, huyện Hướng Hóa, với quy mô 170 ha.

Theo đó, phạm vi quy hoạch khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng gồm: khu vực động Brai ở thôn A Xóc, xã Hướng Lập và khu vực thác Tà Puồng thuộc thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt. Ranh giới khu du lịch được xác định: phía Bắc giáp bờ Bắc sông Sê Păng Hiêng, suối A Xóc của xã Hướng Lập. Phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua địa bàn xã Hướng Việt và đất rừng Tiểu khu 626, xã Hướng Lập. Phía Đông và Nam giáp đất rừng các Tiểu khu 639A, 639B, 640, xã Hướng Việt.

Đồ án quy hoạch khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng thành 4 phân khu: Phân khu 1 là khu vực du lịch động Brai có diện tích khoảng 46,5 ha, gồm các không gian du lịch dưới tán rừng kết hợp giáo dục bảo vệ rừng, du lịch nông trại, khu dân cư, bãi đỗ xe, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Phân khu 2 là khu vực du lịch cộng đồng có diện tích khoảng 39,5 ha, gồm các không gian du lịch dưới tán rừng và giáo dục bảo vệ rừng, đất giáo dục, đất văn hóa, khu dân cư kết hợp dịch vụ lưu trú homestay.

Phân khu 3 là khu vực du lịch nông trại có diện tích khoảng 24 ha, gồm các không gian dịch vụ, khu tái định cư, du lịch nông trại.

Phân khu 4 là khu vực du lịch thác Tà Puồng có diện tích khoảng 60 ha, gồm các không gian dịch vụ, đất giáo dục, khu cắm trại dưới tán rừng, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe kết hợp điểm dừng nghỉ, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

Việc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng nằm trong phạm vi tuyến du lịch trọng điểm đã được quy hoạch phát triển. Đó là tuyến du lịch nội tỉnh Quảng Trị hướng Tây Tây Bắc từ Đông Hà - Khe Sanh - Hướng Lập.

Hoa Hồng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/quang-tri-keu-goi-dau-tu-vao-nhieu-khu-du-lich-sinh-thai.htm