Đậm đà món ba khía muối Rạch Gốc

Nhắc đến món ba khía muối ở miền Tây, chẳng có nơi nào qua được món ngon ba khía muối Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Vùng đất Ngọc Hiển nổi tiếng nhiều sản vật do được thiên nhiên ưu đãi, vị mặn mòi của vùng đất phù sa đã tạo nên nhiều món ăn đậm vị, chẳng nơi đâu có được. Chính vị đặc trưng riêng của vùng đất phù sa mà khách thập phương đến với vùng đất rừng ngập mặn Cà Mau, được thưởng thức ẩm thực nơi đây thì luôn nhớ mãi. Và món ba khía muối trứ danh vùng đất Rạch Gốc - thứ đặc sản miền Tây luôn làm thỏa lòng du khách phương xa.

Hương vị mặn mòi của ba khía muối tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng rừng ngập mặn Cà Mau

Hương vị mặn mòi của ba khía muối tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng rừng ngập mặn Cà Mau

Anh Võ Ngọc Hiển, ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển tâm tình, người dân xã Tân Ân rất thân thiện, mến khách. Nhiều lần khách thập phương về đây, với tình cảm thân thương, “xả láng” của bà con vùng cuối trời cực nam của tổ quốc đã khiến cho du khách ấn tượng, và đọng lại bao ân tình. “Người dân quê ở đây hễ có khách phương xa về thăm là tụi tôi thương lắm, kiểu như bà con xa lâu ngày về thăm, nên mọi người có món ngon nào là đem ra đãi hết. Bà con sống chan hòa, tình cảm nên chỉ biết có hôm nay, còn ngày mai thì tính sau”, anh Hiển nói.

Cũng như anh Hiển, nhiều người dân ở vùng Tân Ân - Rạch Gốc cho biết, nhiều người về nơi đây là không được thưởng thức món ba khía muối thì tiếc nuối vô cùng. Với vị mặn của muối kết hợp với vùng đất phù sa đã tạo nên món ngon khó lòng từ chối.

“Ba khía sau khi muối mặn, sau thời gian từ 5 – 7 ngày là dùng được. Để chế biến thành món ngon, mình cần cho thêm tỏi, đường, ớt và nước cốt chanh. Khi thưởng thức với sự hòa huyện vị ngọt của đường, vị cay của ớt, vị chua của chanh… dễ làm say lòng du khách. Đây là quà tặng đặc trưng của vùng bán đảo Cà Mau”, anh Tô Chí Dũng, một cán bộ ở ấp Xẻo Mắm chia sẻ.

Ba khía muối Rạch Gốc giờ là sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau – món ăn đậm đà hương vị được nhiều người dùng làm quà biếu bạn bè, khách phương xa mỗi khi có dịp về vùng đất này. Theo người dân địa phương, ngày xưa ba khía dùng để làm thức ăn cho người nghèo, hộ khó khăn những lúc đói. Thậm chí, người dân chẳng màng làm thức ăn, bởi nơi đây còn nhiều sản vật ngon hơn. Những năm gần đây, ba khía được nhiều người săn tìm bởi được giới nhà giàu hỏi mua. Đồng thời, ba khía có hàm lượng giàu dinh dưỡng, hỗ trợ can-xi nên rất được ưa chuộng.

“Ngày xưa, ba khía nhiều lắm, giá trị không cao nên chẳng ai thèm ăn. Có chăng, đó chỉ là món ăn cứu đói cho người nghèo. Còn bây giờ, ba khía vươn ra thị trường lớn, vào siêu thị và thậm chí là “xuất ngoại” nên có giá trị lớn. Mỗi ký ba khía tươi sống giờ ít nhất cũng có giá từ 70.000 đồng/kg, lúc cao điểm thì giá cao hơn. Riêng ba khía muối có giá đắt hơn, khoảng 150.000 đồng/kg. Còn ba khía muối trộn sẵn (gồm chanh, tỏi, ớt, đường) thì có giá gấp đôi. Món ăn này đã được “xuất ngoại” nên rất nổi tiếng trên thị trường hiện nay”, anh Tô Chí Dũng, cho biết thêm.

Nghề muối ba khía (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) hình thành từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương và phục vụ nhu cầu của người dân. Con ba khía thuộc loài giáp xác, hình dáng và kích cỡ giống như con cua đồng, sống ở vùng nước mặn, lợ, ven sông rạch, nhất là dưới chân rừng ngập mặn. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía. Cách bắt và muối ba khía hết sức cầu kỳ, để làm nên món ăn mang đậm nét văn hóa ẩm thực thời khẩn hoang.

Ba khía có mặt ở hầu hết các tỉnh ven biển Nam bộ, từ Trà Vinh xuống Cà Mau qua tận Rạch Giá, Hà Tiên và những nơi có rừng ngập mặn. Chất lượng của thịt ba khía thay đổi theo từng vùng, người dân cho rằng do thức ăn khác nhau. Nổi tiếng nhất vẫn là ba khía Rạch Gốc, vì ba khía ở đây tuy nhỏ con hơn nhưng nhờ ăn trái mắm đen (chỉ có ở Rạch Gốc) rụng xuống nên thịt chắc, gạch son và thơm ngon hơn các nơi khác.

Ba khía muối trộn sẵn hiện được người tiêu dùng ưa chuộng

Ba khía muối trộn sẵn hiện được người tiêu dùng ưa chuộng

Để có những con ba khía chắc thịt, có gạch son, người dân bắt ba khía vào khoảng từ tháng Sáu đến tháng Mười âm lịch, vì khoảng thời gian này trời hay mưa và trái mắm cũng bắt đầu rụng nên chúng có nguồn thức ăn dồi dào. Vào tháng Bảy âm lịch là hội ba khía, thời gian này ba khía "đi trẫy hội" để tìm kiếm bạn tình, giao phối và sinh sản.

Cuối tháng 12.2019, nghề muối ba khía ở Cà Mau được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Một lãnh đạo xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển cho hay: “Địa phương có rất nhiều người sống bằng nghề bắt ba khía. Có thể con ba khía ngày xưa không có giá trị nhưng giờ đây đã trở thành đặc sản, là món ăn của những người giàu nên rất được ưa chuộng.

Nhiều người từ nơi khác đến địa phương thuê mướn vuông chủ yếu để bắt ba khía. Có thể nói, ba khía là sản vật được thiên nhiên ban tặng cho vùng bãi bồi rừng ngập mặn. Chính quyền địa phương đã kêu gọi bà con có kế hoạch bảo tồn, tái sinh để phát huy giá trị kinh tế của con ba khía, như không bắt những con nhỏ chưa đủ kích cỡ hoặc ba khía trứng sắp sinh sản... Có như vậy thì nguồn lợi ba khía mới tồn tại được”.

Trần Khải

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dam-da-mon-ba-khia-muoi-rach-goc-218907.html