Quảng Trị với khát vọng hòa bình và phát triển

Nằm ở trung độ của đất nước, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quảng Trị từng là tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, nơi thắp lên hy vọng và niềm tin bất diệt về độc lập, thống nhất và khát vọng hòa bình.

Bia di tích Chốt thép Long Quang ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong - Ảnh: Đ.T

Bia di tích Chốt thép Long Quang ở xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong - Ảnh: Đ.T

Với vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, trong gần nửa thế kỷ (1930-1975) Việt Nam đối đầu với hai kẻ thù hung hãn nhất thế kỷ XX thì đã có hơn 20 năm, Quảng Trị đứng ở tuyến đầu, là vùng đất lửa, nơi diễn ra những cuộc đụng đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình chống lại đội quân xâm lược và tay sai. Chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, đau thương, mất mát cho đất và người Quảng Trị.

Những tên đất, tên làng và biết bao con người quả cảm, ý chí quật cường với khát vọng hòa bình đã đi vào lịch sử gắn liền với chiến công hiển hách, địa danh nổi tiếng trong thế kỷ XX. Đó là cầu Hiền Lương- sông Bến Hải, giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước thành hai miền Nam - Bắc suốt 21 năm (1954 - 1975); là một Vĩnh Linh lũy thép; là địa đạo Vịnh Mốc, một “chiến khu trong lòng đất” vô cùng độc đáo, thể hiện sức sống bền bỉ, bất diệt và ý chí kiên cường của người Quảng Trị, người Việt Nam ở đầu chiến tuyến; là những chiến công trên hàng rào điện tử Mc.Namara, Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu...

Đặc biệt, cuộc chiến đấu 81 ngày đêm của quân và dân ta bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (từ tháng 28/6/1972 đến 16/9/1972) là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là một chiến công hiển hách của thế kỷ XX.

Toàn tỉnh hiện có 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9 với hơn 55.000 mộ liệt sĩ, hàng chục nghìn người có công với cách mạng và thân nhân gia đình chính sách. Cuộc chiến tranh tàn khốc đã để lại cho Quảng Trị hậu quả nặng nề: trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt, là một trong những địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước.

Thêm vào đó, thiên tai dồn dập làm cho mảnh đất này chồng chất thêm khó khăn, thách thức. Vậy nhưng, gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt 35 năm sau ngày lập lại tỉnh, Quảng Trị đã có sự đổi thay kỳ diệu và luôn mang trong mình khát vọng bứt phá, phát triển.

Có thể nói, Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã trở thành niềm tự hào chung của đất nước về một thời đánh giặc hào hùng và luôn mang trong mình khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Không nơi nào trên thế giới lại chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh như Quảng Trị. Địa phương này đang sở hữu một khối tài sản vô cùng quý giá, đó là hệ thống đồ sộ các điểm di tích lịch sử cách mạng không nơi nào có được. Do vậy, cần hỗ trợ Quảng Trị xây dựng thương hiệu du lịch vì hòa bình”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng khóa XIV của Quốc hội chia sẻ: Ở Việt Nam, nếu chọn một vùng đất tiêu biểu cho sự mất mát, đau thương trong chiến tranh, của khát vọng hòa bình để tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình thì Quảng Trị là nơi xứng đáng nhất.

Năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước đã chỉ đạo cơ quan này phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” và tọa đàm về “Ngày hòa bình” tại Quảng Trị.

Đồng thời đề nghị chọn Quảng Trị mà điểm nhấn là Thành Cổ Quảng Trị là nơi giao lưu quốc tế vì tình hữu nghị giữa các dân tộc. Tháng 1/2018, tỉnh Quảng Trị đã chọn thị xã Quảng Trị để tổ chức chương trình “Khúc ca hòa bình”. Tháng 9/2019, thị xã Quảng Trị tổ chức chương trình “Thành Cổ Quảng Trị - Khát vọng hòa bình”...

Đây là những hoạt động đầu tiên trong chuỗi ý tưởng về xây dựng thị xã Quảng Trị nói riêng, tỉnh Quảng Trị nói chung trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình và điểm đến của du lịch hòa bình. Lễ hội Vì Hòa bình tổ chức vào tháng 7/2024 nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng, bền vững cho quê hương, đất nước và nhân loại.

Lễ hội Vì Hòa bình là dịp để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự trường tồn của Tổ quốc; tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh, những mất mát đau thương do chiến tranh gây ra. Việc tổ chức lễ hội nhằm xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất từng bị hủy diệt do chiến tranh và sẽ là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương; nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, dân tộc từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị còn nhằm giới thiệu, quảng bá, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và mảnh đất, con người Quảng Trị, thu hút du khách trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị.

Nguyễn Trí Ánh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/quang-tri-voi-khat-vong-hoa-binh-va-phat-trien-186698.htm