Quảng Xương với các giải pháp ngăn chặn lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép

Bằng sự chủ động của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các ngành có liên quan, huyện Quảng Xương đã và đang thực hiện những giải pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép - vấn đề 'nóng' sau mỗi dịp sau tết.

Công nhân Công ty may Nam Linh, xã Quảng Bình trong ca sản xuất.

Nhiều năm trước kia, một số xã ven biển của huyện Quảng Xương đã từng là các địa bàn “nóng” về tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép sau mỗi dịp Tết Nguyên đán. Đa số lao động ở các địa phương này đi Trung Quốc làm một số ngành nghề như xây dựng, phục vụ các tàu cá... Đã có không ít trường hợp bị tử vong nơi đất khách quê người, bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ, rơi vào những hoàn cảnh éo le, trớ trêu không thể trở về quê hương... để lại những hệ lụy cho người thân, gia đình. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, xử lý nghiêm theo pháp luật, tuy vậy vẫn có nhiều trường hợp bị các đối tượng lôi kéo, lừa đảo đi lao động “chui”.

Trước thực trạng trên, huyện Quảng Xương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, trong đó nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các địa phương. Chủ tịch UBND xã Quảng Nham Trần Văn Long cho biết: Rút kinh nghiệm nhiều năm trước kia, năm nay, địa phương đã sớm hoàn thành công tác rà soát số lượng, tình hình lao động trên địa bàn từ tháng 12-2022. Đây là cơ sở quan trọng để xã triển khai công tác tuyên truyền, vận động các gia đình không nghe theo những lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng để đưa con em, người thân đi lao động “chui” ở nước ngoài. Bên cạnh việc tuyên truyền trên loa truyền thanh tại khu dân cư, UBND xã phối hợp với lực lượng công an đến một số thôn, khu dân cư được xem là “điểm nóng” để tuyên truyền vận động ngay từ trước tết. Công tác này tiếp tục được tăng cường sau Tết Quý Mão, nhờ đó nhận thức của người dân, các gia đình được nâng lên. Nhiều gia đình đã cam kết không đưa con em, người thân đi lao động trái phép ở nước ngoài. Thay vào đó, tìm việc làm ngay tại địa phương và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động bằng con đường chính ngạch.

Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Quảng Xương, năm 2022, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch COVID-19, tuy vậy, công tác xuất khẩu lao động vẫn đạt được kết quả cao với 615 người, vượt 365 chỉ tiêu, đạt 246% kế hoạch huyện giao. Điều đáng mừng là toàn bộ số lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài đều qua con đường chính ngạch, có việc làm, thu nhập ổn định. Để có được kết quả đáng mừng nói trên, huyện Quảng Xương đã có sự vào cuộc quyết liệt từ cấp huyện đến các xã, thị trấn, kiên quyết hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuất khẩu lao động trái phép. Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an tiến hành điều tra, phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức lôi kéo, đưa lao động vượt biên trái phép ra nước ngoài. Từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến ngày 31-1-2023, trên địa bàn huyện không có trường hợp vượt biên đi lao động ở nước ngoài. Sau tết, nhiều lao động đã tìm kiếm cơ hội việc làm ngay tại các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện và các địa phương khác trong tỉnh.

Huyện ủy Quảng Xương cũng đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp quyết liệt, nhằm ngăn chặn lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép. Đồng thời xác định rõ, đây là thời điểm “nóng” của tình trạng này, vì vậy, công tác rà soát tình hình lao động tại các địa phương tiếp tục được tăng cường. Song song với đó, UBND các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an xã, công an huyện ngăn chặn tình trạng lôi kéo, tổ chức đưa lao động vượt biên ra nước ngoài. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Quảng Xương trong năm 2023.

Bài và ảnh: Mạnh Cường

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/quang-xuong-voi-cac-giai-phap-ngan-chan-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-trai-phep/178238.htm