Quanh bức tượng Bác
Bây giờ đến thủ đô Phnompenh của đất nước chùa Tháp, du khách lẫn quan khách hẳn đều có cảm giác rưng rưng khi đứng trước khối tượng đá uy dũng nhưng vẫn vương những nét mềm mại hồn cốt - Tượng đài Tình anh em chiến đấu Việt Nam - Campuchia.
Tượng cao 18 mét được dựng 1989. Có lẽ ít ai được biết khối tượng đài uy dũng ấy được chế tác từ nguyên mẫu của bức tượng vốn chỉ bằng thạch cao be bé ( cao 170cm) sáng tác năm 1983 của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế thời ấy có cái tên Liên minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia.
Trong kháng chiến chống Pháp, cậu bé Nguyễn Văn Quế (sinh 1937) theo gia đình đi tản cư và học phổ thông ở Thanh Hóa. Sau ngày hòa bình, học cấp 2 ở trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1959, học Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, Khoa Điêu khắc khóa I cùng lớp với nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Lê Đình Quỳ, Trần Khánh Chương, Nguyễn Trọng Đoan, Trần Tuy… Năm 1963 Nguyễn Văn Quế được phân công về công tác tại phòng Văn nghệ Ty Văn hóa Quảng Ninh. Nguyễn Văn Quế đã nhanh chóng vượt thoát khỏi những sự vụ đơn điệu của một anh cán bộ văn hóa ở tỉnh lẻ bằng tài năng cộng với sự say mê miệt mài sáng tác. Nhiều tác phẩm điêu khắc về đề tài Bác Hồ và cách mạng, trong đó đáng kể nhất là bức tượng bán thân Bác Hồ được dựng tại đảo Cô Tô.
Sau này ở những vị trí công tác khác nhau ở Xưởng Mỹ thuật quốc gia và Công ty Mỹ thuật Trung ương và có nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác (nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế mất năm 2003, năm 2016 được vinh dự truy nhận Giải thưởng Nhà nước) nhưng bức tượng bán thân Bác Hồ được dựng ở đảo Cô Tô với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế như ông từng bộc bạch là luôn đeo bám và gợi cho ông với những xúc cảm đặc biệt.
Buổi sáng ngày 9/5/1961, chiếc máy bay trực thăng chở Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô. Sự kiện ấy cùng câu nói ấm áp của Bác với đồng bào, chiến sĩ trên đảo: “... Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ” đã gây ấn tượng, niềm xúc động sâu bền với nhân dân các dân tộc trên đảo Cô Tô. Cũng cần nói thêm rằng, thời điểm ấy chưa có một bức tượng Bác Hồ bằng bất kỳ chất liệu nào được dựng trên miền Bắc. Đơn giản là Cụ chưa cho phép làm việc ấy!
Bây giờ cũng chỉ nghe kể lại rằng sau thời điểm Bác ra thăm Cô Tô, một bức thư của Đảng bộ quân dân Cô Tô đã gửi lên Phủ Chủ tịch, chứ không dám gửi đích danh tới Bác, đại ý: Với tấm lòng kính trọng vô hạn đối với Bác Hồ, quân và dân trên đảo Cô Tô xin phép được dựng tượng Người trên đảo, để lúc nào cũng được nhìn thấy hình ảnh của Người.
Cũng chỉ nghĩ gửi thì gửi nhưng niềm hy vọng rất mong manh! Bởi một năm rồi hai, ba năm qua đi… chưa thấy hồi âm gì. Nhưng thật bất ngờ, nguyện vọng của quân dân trên đảo Cô Tô đã được Bác Hồ đồng ý. Phải chăng động thái ấy như một lời nhắc nhở lớp hậu duệ của lương dân Việt mai này phải hướng tầm nhìn ra biển Đông để bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc?
Việc dựng tượng được triển khai một cách lặng lẽ nhưng tích cực, ráo riết…
Bức tượng bán thân Bác Hồ của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế đã được chọn.
Chọn là chọn mẫu thôi, mà chỉ là mẫu tượng bằng thạch cao gọn nhẹ. Cái khó là không thể chế tác theo mẫu ấy một khối tượng lớn với kích cỡ thực từ trong đất liền để vận chuyển ra đảo được!
Bây giờ thì vo vo tốc độ tàu cao tốc từ bến Vân Đồn ra Cô Tô non một tiếng đồng hồ. Nhưng thuở ấy chỉ có những con thuyền buồm cộng với chèo tay gặp phải những đợt sóng nam thì phải sáu, bảy giờ đồng hồ. Việc chở những xi măng cốt thép ra đảo Cô Tô là cả một công trình kể xiết mấy mươi nhưng vẫn được bền bỉ tiến hành. Việc dựng tượng theo mẫu được thực hiện từ cuối năm 1967.
Lúc đầu, tượng Bác được dựng bán thân, tay phải giơ lên cao vẫy chào đồng bào. Tượng cao 1,8m (cả bệ là 4 m). Công trình được khánh thành ngày 22/5/1968, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 78 của Bác.
Tại bảo tàng Cô Tô bây giờ, tôi chú mục đến một bức chân dung Bác (có lẽ tác giả là Đinh Đăng Định?) ngó rất hồn cốt có chữ ký của Bác. Nghe thuyết minh lại rằng khi nghe tin tượng Bác đã hoàn thành, Người rất vui và gửi tặng quân dân đảo Cô Tô bức ảnh này.
Cũng cần nói thêm, có lẽ lòng kính Bác cùng yếu tố tâm linh bức tượng Bác bán thân dựng tháng 5/1968 ấy sau 8 năm trải sương gió sưởi ấm lòng quân dân đảo Cô Tô đã công phu làm cái việc ngược sóng trở lại đất liền. Bức tượng ấy hiện được đặt tại vị trí trang trọng ngay tại sân vận động Vân Đồn để du khách thưởng lãm. Chiêm bái tượng, hẳn dấy lên bao cảm nghĩ cùng tâm sự rằng cái thuở tượng Bác đang còn hiếm rất hiếm thì bức tượng này như một thứ khai sơn phá thạch vậy?
Trở lại vị trí đặt tượng Bác ở Cô Tô. Năm 1976, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 86 của Người, tượng bán thân được thay bằng tượng toàn thân, với chất liệu bê tông cốt thép. Tượng có chiều cao 4,5m, cả bệ cao 9m, nằm cách bờ biển 100m. Năm 1996, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 106 của Bác, tượng Bác bằng bê tông được thay bằng đá gra-nít. Cho đến ngày nay, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cô Tô vẫn được đánh giá là tượng đài Bác có quy mô to lớn, đẹp nhất vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Cũng một tay nhà điêu khắc Nguyễn Văn Quế tất tả miệt mài tham góp suốt một thời gian dài.
Quấn quýt hài hòa quanh tượng Bác là một quần thể kiến trúc khiêm nhường ấm áp. Nhà tưởng niệm cũng là nơi dâng hương cho du khách. Một quảng trường vấn vít cây xanh dùng để cử hành những dịp đảo có lễ trọng. Không xa chỗ tượng và nhà tưởng niệm có một bức phù điêu độc đáo ghi lại chính xác tọa độ mà buổi non trưa ngày 9/5/1961, bước chân thoăn thoắt của Bác Hồ khi thăm đảo Cô Tô đã dừng lại ở ruộng khoai lang này. Người nhanh nhẹn sục tay vào luống và nâng lên những củ khoai lúc lỉu. Người khen khoai tốt củ mong bà con khai khẩn đất hoang để trồng nhiều khoai. Cái giống khoai Cô Tô phòng khi giáp hạt ngày ấy bây giờ dân Cô Tô vẫn nhân diện tích lên nhiều. Hóa ra khoai lang đất cát Cô Tô dày củ sây bột đương bắt miệng du khách với món khoai chiên có tiếng!
Và bắt ngay vào hông quảng trường là một con đường dày kín xanh mướt phi lao trải dài vài cây số dọc biển. Con đường mà du khách vẫn nắc nỏm là con đường tình yêu…
(Còn nữa)
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/quanh-buc-tuong-bac-1454867.tpo