Quanh vụ tắt tiếng Quốc ca: Bài học công tác quản lý
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Ðỗ Hồng Quân khẳng định cần có hội đồng chuyên môn thẩm định để đưa ra một bản phối cơ bản, hiệu quả và chuẩn nhất đối với Quốc ca. Tác giả Văn Cao chỉ để lại giai điệu và ca từ, còn thiếu phần đệm cho piano cần bổ sung và lấy đó làm căn cứ để phổ biến Quốc ca.
Ca sĩ Tạ Quang Thắng hát Quốc ca trước trận chung kết Cúp AFF 2018 Việt Nam - Malaysia trên sân Mỹ Ðình. Ảnh: Hồ Như Ý
"Mỗi người phối một kiểu, có bản chất lượng rất kém thậm chí sai cả nốt nhạc, hòa thanh, chọn lựa nhạc cụ đơn giản cây đàn oóc cho thiếu nhi… từ lâu đã là nỗi bức xúc. Đáng ra, bản nhạc gốc phải kèm theo phân phổ để về sau ai sử dụng thì căn cứ vào đó chuyển soạn cho các loại nhạc cụ khác nhau, tránh tam sao thất bản”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói. Theo ông việc bổ sung những dữ liệu này cũng là một cách tôn vinh Quốc ca.
Về việc có thể trình diễn Quốc ca theo phong cách, tiết tấu khác, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh: “Không được. Phải lập tức ra văn bản quy phạm về âm nhạc Quốc ca, thậm chí chỉ được trình diễn giọng Son trưởng, không được Si trưởng, La trưởng. Ai làm sai chịu phạt. Đây là Quốc ca chứ không phải bài hát nhạc pop. Không thể biến Quốc ca thành đối tượng sáng tạo và thể nghiệm của cá nhân theo sở thích riêng cho dù là với lòng yêu nước cháy bỏng. Hiện nay họ tác động được vì không có quy định rõ ràng”.
Nhạc sĩ cũng nêu ví dụ, tác phẩm kinh điển của Bach, Schubert hay Chopin cho dù viết cách đây hàng trăm năm nhưng những nghệ sĩ sau này đều phải trình diễn đúng như văn bản, khác nốt nghĩa là sai: “Anh sáng tạo bằng cách thổi hồn vào chứ không phải bằng thay nốt nọ thành nốt kia, tiết tấu này bằng tiết tấu kia. Làm mới tác phẩm là câu chuyện còn phải tranh luận”.
Bộ VHTTDL cần có kế hoạch giữ gìn, bảo vệ Quốc ca
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu ý kiến: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tiếp nhận phần quản lý quyền tác giả của Tiến quân ca từ gia đình nhạc sĩ Văn Cao thì phải có kế hoạch khai thác, giữ gìn, bảo vệ tác phẩm.
“Bộ VHTTDL thừa sức làm được bản ghi chuẩn ở cấp quốc gia để phát hành cho các nơi, miễn tác quyền cho người sử dụng. Bởi Quốc ca đâu phải bài hát thông thường. Ðó là quyền lợi quốc gia, dân tộc. Ðó là sự linh thiêng khi người dân cất lên lời hát Quốc ca. Ðó là niềm tự hào dân tộc, là quyền của người dân được nghe và hát Quốc ca. Bộ VHTTDL nên coi đây là bài học hết sức nghiêm túc, thông qua đó để có giải pháp phù hợp tránh xảy ra những tình trạng tương tự. Tôi cho rằng không chỉ Quốc ca, Bộ nên lưu ý nhiều hơn tới các tác phẩm cho cộng đồng, đảm bảo hài hòa giữa thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và quyền hưởng thụ văn hóa của người dân”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
NGUYÊN KHÁNH
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhấn mạnh, quốc ca mang tính biểu tượng và thiêng liêng, thể hiện ước nguyện và ý chí cả một dân tộc. Anh cho rằng chỉ có dàn nhạc giao hưởng và đại hợp xướng mới có thể làm toát lên tinh thần Quốc ca.
“Làm gì thì làm, phiên bản được phát trong nghi lễ quốc gia, hay tại các đấu trường quốc tế phải là phiên bản gốc của dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng quốc gia. Đó là mặc định, là chuẩn mực”, Võ Thiện Thanh nói.
Tuy nhiên anh cũng công nhận cách trình diễn bằng một giọng hát không nhạc đệm tại các giải đấu thể thao hay sự kiện chính thức tại một số nước: “Quan trọng là ở tinh thần bài quốc ca. Đôi khi chỉ một người vẫn đem lại hiệu quả trang nghiêm không kém”.
Võ Thiện Thanh khẳng định tầm quan trọng bất biến của những yếu tố âm nhạc xung quanh bài Quốc ca không nên xâm phạm: “Nếu một người am hiểu và có kiến thức âm nhạc, tôi nghĩ anh ta không dám và không dại gì thay đổi hòa thanh, chứ đừng nói đến giai điệu. Điều đó là bất khả. Vì cấu trúc, hình thức và hòa thanh đó như được mặc khải để nói lên quốc hồn quốc túy của dân tộc. Không phải những công năng đó là ngẫu nhiên. Tự một công dân phải ý thức điều này trước khi nhà nước ra quy định”.
Ca sĩ Ánh Tuyết lại cho rằng, bây giờ mới quy định về trình diễn Quốc ca thì có phần hơi muộn: “Giờ mọi người đã thiên biến vạn hóa rồi”.
Năm 1999, Ánh Tuyết từng nhiều lần đem Tiến quân ca lên sân khấu trình diễn trong các đêm nhạc Văn Cao. Phần đầu bài, chị hát chậm hơn bình thường để thể hiện sự bi tráng, phần sau trở lại nhịp hành khúc như lời hiệu triệu toàn dân tộc…
“Lời và giai điệu phải tuân thủ. Còn tiết tấu tùy tâm khảm mỗi người thể hiện sao cho hay nhất, tốt nhất. Cái đó theo tôi không nên can thiệp. Trừ phi họ làm quá đáng, không còn nghe thấy Quốc ca nữa thì nên phản đối”. Ánh Tuyết đồng ý với việc buộc phải thể hiện Quốc ca theo quy chuẩn trong hoàn cảnh lễ nghi. "Còn khi trình diễn, nếu tiết tấu khiến cho người nghe cảm nhận sâu sắc hơn, hiểu hơn về Quốc ca thì lại tốt chứ”, chị nói.
Luật sư Phạm Duy Khương cho rằng nên có quy định mở về việc thể hiện Quốc ca: “Chi tiết hóa quá lại hạn chế sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo đúng cách phải khuyến khích. Còn lại để thực tiễn điều chỉnh quan niệm thế nào là đúng, sai”.