'Quay xe' với EU, Georgia liệu có tìm đến BRICS?
Trì hoãn giấc mơ gia nhập Liên minh châu Âu (EU), Georgia nhìn về BRICS với hy vọng tháo gỡ vòng vây sức ép từ phương Tây.
![Việc quan hệ EU-Georgia đang xấu đi nhanh chóng góp phần đẩy Tbilisi xích lại gần BRICS. (Nguồn: AP)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_194_51416196/fef7def5e6bb0fe556aa.jpg)
Việc quan hệ EU-Georgia đang xấu đi nhanh chóng góp phần đẩy Tbilisi xích lại gần BRICS. (Nguồn: AP)
Mây mù quan hệ EU-Georgia
Một tháng sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 26/10, đảng cầm quyền Giấc mơ Georgia (GD) quyết định đóng băng tiến trình đàm phán gia nhập EU trong ít nhất bốn năm. Nguyên nhân là áp lực ngày càng gia tăng từ EU, yêu cầu chính phủ Georgia hủy bỏ dự luật "đặc vụ nước ngoài" gây tranh cãi, cùng chính sách chống LGBTQ+ bị coi là đi ngược lại giá trị châu Âu. Thậm chí, một số chính khách EU còn cáo buộc Tbilisi theo đuổi lập trường thân Nga và có xu hướng độc tài.
"Đặc vụ nước ngoài" ám chỉ các cá nhân hoặc tổ chức tích cực thúc đẩy lợi ích của một quốc gia nước ngoài trong khi hoạt động ở nước sở tại. Phe phản đối cho rằng đây là "luật Nga" vì các điều khoản "giống hệt đạo luật kiểm soát tổ chức phi chính phủ" mà Nga ban hành năm 2012.
Giải thích cho quyết định trên, Thủ tướng Irakli Kobakhidze cho rằng việc gia nhập EU quá sớm sẽ khiến Georgia trở thành quốc gia "ăn bám" và đánh mất lòng tự tôn.
Ông lên tiếng chỉ trích EU, cho rằng khối này đang sử dụng triển vọng đàm phán gia nhập như công cụ "đe dọa và tổ chức cách mạng tại Georgia", khi EU từ chối công nhận kết quả bầu cử quốc hội tháng 10 ở Tbilisi với chiến thắng thuộc về đảng GD và kêu gọi trừng phạt các nhân vật quan trọng thuộc đảng này.
Theo đó, Tbilisi tuyên bố từ chối các khoản viện trợ và tài trợ từ EU trong thời gian này để tăng cường khả năng tự chủ trong quan hệ quốc tế. Phản ứng trước động thái trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi quyết định của Georgia và gọi đây là sự "can đảm" và "độc lập" trong bối cảnh áp lực quốc tế.
Có thể thấy, dù được cấp tư cách ứng viên gia nhập EU hồi tháng 12/2023, quan hệ EU-Georgia đang xấu đi nhanh chóng khi Tbilisi tái định hình chính sách đối ngoại, góp phần đẩy nước này xích lại gần BRICS, thậm chí có thể trở thành thành viên chính thức.
![Phát biểu sau quyết định hoãn gia nhập EU ngày 28/11, Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze nói: “Các chính trị gia và quan chức châu Âu cần hiểu rằng không thể dùng sự ép buộc để đối phó với Georgia, mà phải bằng sự tôn trọng”. (Nguồn: Georgia Today)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_194_51416196/3e101c12245ccd02944d.jpg)
Phát biểu sau quyết định hoãn gia nhập EU ngày 28/11, Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze nói: “Các chính trị gia và quan chức châu Âu cần hiểu rằng không thể dùng sự ép buộc để đối phó với Georgia, mà phải bằng sự tôn trọng”. (Nguồn: Georgia Today)
Rộng mở con đường BRICS
Bất chấp môi trường quốc tế biến động và rạn nứt, Georgia và các nước thành viên BRICS đang tìm được tiếng nói chung. Trước hết là Moscow, bên cạnh kế hoạch mở lại cơ quan đại diện ngoại giao, hai nước đã khôi phục các chuyến bay trực tiếp vào giữa năm 2023 và dỡ bỏ yêu cầu thị thực, giúp công dân có thể qua lại mà không giới hạn thời gian lưu trú. Sự thuận tiện trong đi lại không chỉ thúc đẩy thương mại, mà còn tạo điều kiện cho các phương tiện truyền thông Georgia lan truyền rộng rãi tin tức từ Điện Kremlin.
Không chỉ Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được coi là ứng viên tiềm năng gia nhập BRICS. Tuy nhiên, thời điểm chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bất ngờ sụp đổ tháng 12 năm ngoái, gió đã đổi chiều. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chọc giận Nga và Iran - 2 thành viên quan trọng của BRICS, khi công khai ủng hộ cuộc tấn công Damascus chớp nhoáng của lực lượng đối lập Hayat Tahrir al-Sham (HTS).
Thậm chí quan hệ giữa Ankara với các thành viên BRICS khác cũng nhiều rạn nứt. Ấn Độ khả năng sẽ phủ quyết tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ do lập trường cứng rắn của Ankara về vấn đề Kashmir và sự ưu ái dành cho Pakistan. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập cũng không ưa gì Thổ Nhĩ Kỳ vì sự ủng hộ của ông Erdogan với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo - mối đe dọa đối với các chính phủ thế giới Arab.
Ngược lại, Georgia dần nổi lên là ứng viên sáng giá, có khả năng huy động sự đồng thuận từ cả 10 thành viên BRICS. Trong đó, Trung Quốc có thể sẽ hoan nghênh Georgia, bởi hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Hành lang Trung tâm sẽ lên một tầm cao mới nếu Tbilisi từ bỏ tham vọng EU và gia nhập BRICS.
Hành lang Trung tâm (Middle Corridor) là thuật ngữ chỉ hành lang vận tải đường bộ và đường biển đa phương thức chạy từ Trung Quốc đến châu Âu, qua Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Biển Đen và Biển Caspian.
Georgia cũng tìm cách xích lại gần các thành viên BRICS quan trọng khác. Trong khuôn khổ chuyến thăm Abu Dhabi của Thủ tướng Irakli Kobakhidze cuối tháng 1, UAE công bố khoản đầu tư kỷ lục 6 tỷ USD vào 3 thành phố Georgia là Tbilisi, Batumi và Gonio, nhằm phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng như nhà ở, cơ sở y tế, khu liên hợp thể thao và khu vực giải trí.
Trong bối cảnh nguồn tài trợ từ phương Tây dần cạn kiệt, các khoản vay lãi suất thấp từ Ngân hàng phát triển châu Á và Ngân hàng phát triển mới (NDB) của BRICS có thể giúp Georgia đẩy mạnh chính sách xoay trục sang phương Đông.
![Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan (phải) tiếp Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze tại Abu Dhabi ngày 27/1. (Nguồn: WAM)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_194_51416196/289f0d9d35d3dc8d85c2.jpg)
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan (phải) tiếp Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze tại Abu Dhabi ngày 27/1. (Nguồn: WAM)
Georgia còn sở hữu lợi thế địa lý thuận lợi, khi thủ đô Tbilisi chỉ cách bốn thủ đô BRICS – Abu Dhabi, Moscow, New Delhi và Tehran – cũng như thành phố Urumqi (Trung Quốc) vài giờ bay. Các sân bay quốc tế của Georgia là Shota Rustaveli và Batumi đều có các chuyến bay thường xuyên tới khối Đông Âu như Kazakhstan, Uzbekistan và Belarus. Theo quan điểm của đảng GD, việc tăng cường kết nối hàng không và giao lưu nhân dân với các nước phương Nam giúp xóa bỏ tư tưởng thân châu Âu của thế hệ trẻ Georgia.
Georgia hướng Đông?
Xu hướng thân Nga, xa rời châu Âu của Georgia đã làm Mỹ mất thiện chí, khiến Washington quyết định đình chỉ cơ chế Đối tác chiến lược giữa hai bên. Ngày 30/11/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, quyết định đóng băng tiến trình đàm phán gia nhập EU của đảng GD là đi ngược lại lời hứa với người dân Georgia về việc gia nhập đầy đủ EU và NATO.
Washington khẳng định thêm: "Quyết định trên đã vi phạm những nguyên tắc cốt lõi trong quan hệ Đối tác chiến lược Mỹ-Georgia, vốn dựa trên các giá trị chung và cam kết đối với dân chủ, pháp quyền, xã hội dân sự, tôn trọng nhân quyền và tự do cơ bản, cũng như các nỗ lực chống tham nhũng. Vì vậy, Mỹ đã tạm dừng cơ chế này".
Đánh mất niềm tin của Mỹ, không còn thiết tha tham vọng EU, Georgia đứng trước ngã rẽ lập trường đối ngoại, các nước thành viên BRICS có thể tranh thủ cơ hội này để vận động, lôi kéo Tsibili vào khối để mở rộng không gian ảnh hưởng.
Có thể nói, một Georgia dần "hướng Đông" sẽ khiến EU thức tỉnh để nhìn nhận thực tiễn rằng châu Âu đang trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng Tbilisi với các nước khác. Bối cảnh này đặt cho EU bài toán mới, nỗ lực tìm cách buộc đảng GD thay đổi lập trường, trở lại với phương Tây.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/quay-xe-voi-eu-georgia-lieu-co-ti-m-den-brics-303355.html