Quê ngoại ân tình
Biết về quá khứ, nhìn thấy hiện tại lại càng thêm yêu thành phố của mình. Tôi yêu TP Hải Dương vì ở đó còn có nhiều kỷ niệm từ thơ bé, là quê ngoại yêu dấu của tôi.
Tôi là người TP Hải Dương, quê gốc ở Bình Giang. Chả là vì bố tôi công tác ở thị xã Hải Dương từ đầu những năm 1970, nhờ "ăn dè hà tiện" mà mua được mảnh đất 50 m² ở gần hồ Bạch Đằng ngay từ khi giá đất còn rất rẻ. Rồi bố tôi làm nhà, cưới mẹ tôi người ở phố Tuy An. Tôi ra đời ở thị xã. Sau này lớn lên đi học và công tác cũng ở đây. Bây giờ bố mẹ tôi đã nghỉ hưu. Cô em gái đi lấy chồng. Tôi lấy vợ, sinh con, thành gia đình có năm khẩu. Ngôi nhà 50 m² hai tầng, tuy không rộng rãi nhưng gia đình tôi sống vẫn ổn.
Ở quê gốc Bình Giang, nhà tôi có ngôi nhà xây năm gian rất rộng, vườn ao đầy đủ ở ngay mặt đường. Ông bà nội đã giao cho tôi thừa kế và khuyên tôi đưa vợ con về ở để sau thay ông bà hương khói phụng thờ gia tiên. Bố tôi bảo: “Con đâu, cha mẹ đấy”. Sau này tuổi cao sức yếu, bố mẹ tôi sẽ đón ông bà lên ở cùng để tiện phụng dưỡng. Dinh cơ ở quê giữ làm chốn đi về vào dịp lễ, Tết, Thanh minh và công việc của họ hàng nội ngoại mãi mãi để các đời sau biết cội nguồn.
Ông bà ngoại tôi đã có bốn đời ở TP Hải Dương. Bây giờ các cậu, các dì tôi cũng ở thành phố. Bác cả hiện đang ở Sài Gòn nhưng rồi cũng sẽ về. Bác bảo đã có nhà cửa đàng hoàng ở nội thành nhưng không đâu bằng quê cha đất tổ nên bác không thích nơi xô bồ mà sẽ trở về nơi yên bình đã sinh ra mình. Năm nào bác cũng về thăm quê.
Hồi học tiểu học, tôi ở với ông bà ngoại. Những ngày nghỉ ông hay đạp xe dẫn tôi đi chơi và kể cho tôi nghe về thị xã Hải Dương. Ngày xưa diện tích thị xã nhỏ hẹp lắm. Bên kia sông Thái Bình là đất Nam Sách. Đi qua cầu Cất, đến bến xe buýt chỗ đường vòng một tí là đất Gia Lộc. Phía tây, bên kia chợ Mát và phường Thanh Bình bây giờ là Cẩm Giàng. Phía Tứ Kỳ, gần cống Câu là hết địa phận thị xã. Từ bên kia cầu Cất đến đường vòng (ngã tư Hải Tân) hai bên đường là bãi rác. Chiều thứ bảy, hai ông cháu đi loanh quanh, chả mấy mà đã hết thị xã, lại ngồi trên đê ngắm thuyền xuôi ngược trên dòng sông Thái Bình.
Ông ngoại tôi kể, ngày xưa phía đông thị xã nằm sát biển, chưa bồi đắp lên TP Hải Phòng nên tỉnh ta mới được gọi là tỉnh Đông và Hải Dương. Năm 1997, thị xã được nâng cấp lên thành phố, diện tích mở rộng về bốn phía nên mới rộng và đẹp như bây giờ. Vừa đi thăm, vừa được nghe ông kể, tôi càng thấy yêu nơi mình đang sống.
Thực ra, chưa bao giờ tôi tự hỏi mình có yêu thành phố? Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi, hằng ngày đến công sở, ngày nghỉ ở nhà. Thỉnh thoảng có công việc hoặc rảnh rỗi đến nhà bạn bè chơi mới có dịp đi đoạn đường dài trên thành phố. Những cái mới, cái đẹp, sự đổi thay to lớn “đập” vào mắt mình mới nhận ra mà cảm thấy sung sướng tự hào, thấy yêu thành phố.
Mới thoáng thôi mà gia đình tôi đã có hai đời sống ở thành phố đáng yêu này. Thì ra cả bố và tôi không muốn về sống ở quê là vì đã yêu thành phố, gắn bó với thành phố. Tôi yêu thành phố không chỉ vì thành phố đẹp đã có bề dày lịch sử hơn hai trăm năm tuổi (1804 - 2024), mà còn vì thành phố có những nét riêng không phải thành phố nào cũng có. Thành phố có dòng sông Thái Bình hiền hòa chảy qua, tàu thuyền tấp nập ngược xuôi. Cầu Phú Lương thương tích một thời chống Mỹ, nay vẫn vươn mình ngạo nghễ nối đôi bờ cho những đoàn tàu hỏa xuôi ngược Hà Nội - Hải Phòng. Tôi yêu thành phố không chỉ bởi có những tòa nhà cao tầng, hiện đại mà còn vì nơi tôi sống có bề dày lịch sử oai hùng, vì người dân kiên cường, nhân hậu, cần cù, sáng tạo và còn những gì thiêng liêng trầm tích, ẩn khuất mà với lứa tuổi tôi chưa hiểu hết được.
Cũng như nhiều thành phố khác, cư dân TP Hải Dương đông đúc, từ nhiều miền quê hội tụ về, nhưng một lòng một dạ đùm bọc nhau xây dựng thành phố. Thời kỳ nào các cấp lãnh đạo cũng tâm huyết làm cho thành phố phát triển. Nhìn bản đồ thành phố ngày nay rộng hơn xưa nhiều nhưng ít góc cạnh, không méo mó. Các công trình xây dựng, giao thông nội thành, các khu dân cư mới đã mang dáng dấp một thành phố hiện đại. Ít có thành phố vừa gần đất cảng, vừa gần thủ đô, nằm trên đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu mà lại cách rừng núi không xa.
Ông ngoại tôi thường nói, còn nhớ mãi buổi sáng ngày 26/7/1962, nhân dân thị xã được đón Bác về thăm tại sân Vọng Cung. Ngày ấy thị xã còn nghèo lắm. Nhiều khi tôi ngậm ngùi nghĩ, giá mà ông còn sống đến giờ để được thấy sự thay đổi to lớn của thành phố... Năm 1967, Mỹ ném bom phá hỏng cầu Phú Lương. Ta bắc cầu tạm bằng tre, gỗ, sắt, tàu xe vẫn qua lại bình thường. Trận địa pháo đặt ở cánh đồng Ngọc Uyên để bảo vệ thị xã và cầu. Trận địa tên lửa đặt ở sân bóng (gần chùa Đông Thuần) để bắn trả máy bay địch. Quân dân thị xã vẫn trụ vững và chiến đấu kiên cường. Từ xa xưa thị xã còn có mộ phần và đình thờ tướng quân Đinh Văn Tả. Nhiều chi tiết gom lại làm bề dày lịch sử thành phố thêm dày và đáng yêu hơn.
Biết về quá khứ, nhìn thấy hiện tại lại càng thêm yêu thành phố của mình. Tôi yêu TP Hải Dương vì đấy không chỉ là thủ phủ của tỉnh mình, mà ở đó còn có nhiều kỷ niệm từ thơ bé, là quê ngoại yêu dấu của tôi.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/que-ngoai-an-tinh-389544.html