Quên mình vì sức khỏe nhân dân

Những ngày này, gian khổ nhất, chịu nhiều hy sinh nhất là đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch. Để hoàn thành nhiệm vụ, những 'chiến sĩ áo trắng' phải rời xa gia đình, người thân. Với tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm với nghề, họ đang từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe và cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Phân tích kết quả xét nghiệm tại khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: VIỆT HOA

Phân tích kết quả xét nghiệm tại khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: VIỆT HOA

Hình ảnh các bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế làm việc đến quên mình nơi tuyến đầu chống dịch, đã gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng. Đó là những bức ảnh được ghi lại trong tâm dịch tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Những “chiến binh” trong bộ đồ bảo hộ mầu trắng ướt sũng mồ hôi, đôi tay bợt bạt, nhăn nheo, gương mặt đỏ ửng, in hằn dấu vết của đồ bảo hộ. Đó là hình ảnh bác sĩ Nguyễn Hồng Hải, Trung tâm Y tế huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bị ngất xỉu sau khi lấy mẫy xét nghiệm cho người dân. Đó là hình ảnh hai cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (Điện Biên) mệt lả nằm bên vệ đường trong khi làm nhiệm vụ vận chuyển các ca bệnh và những người nghi nhiễm đến khu cách ly, điều trị. Đó là hình ảnh tấm lưng phồng rộp của tình nguyện viên Nguyễn Phúc Đăng Ninh, Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương do phải mặc đồ bảo hộ trong nhiều giờ và dị ứng với cồn sát khuẩn. Dù cơ thể rất khó chịu, anh Ninh vẫn cố gắng cùng các nhân viên y tế lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm cho người dân tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đó còn là hình ảnh các bác sĩ trẻ tình nguyện của Bệnh viện C Đà Nẵng cạo trọc đầu trước khi tiến vào tâm dịch Bắc Giang. Có lẽ, không ai có thể kìm nén được xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những cán bộ và nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ mẹ của một bác sĩ mới qua đời nhưng vì nhiệm vụ, cả hai vợ chồng bác sĩ này chưa thể về chịu tang. Và hình ảnh gần 30 cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến (Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang) đứng nghiêm trang tưởng niệm người cha vừa mất của một nữ hộ lý đang làm việc tại đây, do quy định về phòng, chống dịch nên không thể về chịu tang cha mình.

Điều dưỡng viên Phùng Thị Hạnh, Bệnh viện Quân y 103 Hà Nội, phải xa con nhỏ còn đang bú mẹ để đi vào vùng tâm dịch Bắc Giang. Đêm trước khi vào vùng tâm dịch, chị trằn trọc không ngủ được, cứ lặng lẽ khóc thầm vì thương con. Đêm đầu tiên xa con, chị bị tắc sữa đến phát sốt. “Những ngày đầu, cảm giác nóng bức do mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít suốt nhiều giờ cùng với bầu ngực căng sữa khiến tôi nhiều lúc căng thẳng vô cùng”- chị kể. Ngày nào chị cũng phải vắt sữa bỏ đi, trong khi cô con gái nhỏ của chị ở nhà đang khát sữa mẹ. Khi nhìn thấy mẹ trên ti-vi, bé òa khóc nức nở vì nhớ mẹ.

Kể từ ngày 27-4, ngày đầu tiên bùng phát đợt dịch lần thứ tư đến nay, đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế tại các điểm nóng về dịch Covid-19 chưa lúc nào được ngơi nghỉ. Công việc điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm, điều trị các ca lây nhiễm Covid-19 đều phải rất khẩn trương và chính xác. Những bữa ăn vội vã, những đêm trắng lấy mẫu xét nghiệm, thức cùng người bệnh, những ngày làm việc không có giờ giải lao, tất cả như những chiến binh trong một cuộc chiến thầm lặng nhưng quyết liệt để giành lại sức khỏe và cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Giữa cái nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè, phải làm việc liên tục nhiều giờ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, ngột ngạt, nhiều y sĩ, bác sĩ, tình nguyện viên đã lả đi. Trước đó, khi đến thăm, trò chuyện và động viên các y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ: Tôi biết có nhiều đồng chí đã gần một năm qua chưa được về nhà, nhiều đồng chí phải gác lại việc riêng để chuyên tâm điều trị cho người bệnh Covid-19. Các đồng chí chấp nhận rủi ro để nhận khó khăn về mình. Chúng tôi rất cảm động và đánh giá cao sự hy sinh đó.

Trong đơn tình nguyện tham gia phòng, chống Covid-19 của bác sĩ Nguyễn Văn Trang, 78 tuổi, ở thị trấn Thanh Chương (Nghệ An) còn có cả những vần thơ xúc động, tự hào về đồng nghiệp của mình: “Những chiến binh áo trắng/Lần lượt tới Bắc Giang/Không mang theo súng đạn/Trái tim là vũ trang…”.

Sự hy sinh, cống hiến vì sức khỏe nhân dân của các “chiến sĩ áo trắng” là không thể đong đếm được. Hành động thiết thực nhất để tỏ lòng tri ân các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch là mọi người tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo về phòng dịch, cùng chung tay, đóng góp mua vắc-xin Covid 19 để mọi người dân được tiêm phòng, tạo miễn dịch cộng đồng, để toàn dân được trở lại cuộc sống bình yên.

THƯ MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bandoc/quen-minh-vi-suc-khoe-nhan-dan-650453/