Quét mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm để bảo vệ người tiêu dùng

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Nhờ sự hỗ trợ của các ứng dụng tích hợp tính năng quét QR, người tiêu dùng dễ dàng nắm rõ hơn thông tin về sản phẩm, hàng hóa. Ứng dụng mã QR cũng được coi là giải pháp hiệu quả giúp các doanh nghiệp quản lý quy trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, xây dựng uy tín thương hiệu.

Người dân chưa có thói quen truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Dạo quanh khu vực bán rau củ quả tại một siêu thị lớn trên phố Lê Duẩn của Hà Nội, bà Thu Hà (60 tuổi, nội trợ) cẩn thận lựa chọn từng món thực phẩm tươi để chuẩn bị bữa tối. Tuy nhiên thay vì chỉ đọc một số thông tin cơ bản của sản phẩm như giá tiền, ngày sản xuất, hạn dùng thì bà Hà lại sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) quét mã QR được in trên vỏ hộp để đọc tất cả thông tin về sản phẩm này.

Chỉ cần giơ điện thoại đưa vào mã QR, thông tin về sản phẩn sẽ hiện lên. Ảnh minh họa: CTV

Chỉ cần giơ điện thoại đưa vào mã QR, thông tin về sản phẩn sẽ hiện lên. Ảnh minh họa: CTV

"Sau khi được con gái hướng dẫn tôi mới biết chỉ cần quét mã QR này là có thể biết được nguồn gốc hộp dưa chuột này, chẳng hạn như loại giống được sử dụng là gì, cách chăm sóc, những loại phân bón nào được sử dụng trong quá trình nuôi trồng đến cả việc đóng gói, vận chuyển, cho nên tôi rất yên tâm để chọn mua và sử dụng cho gia đình", bà Thu Hà chia sẻ.

Tại một siêu thị khác trên phố Lò Đúc, chị Nguyễn Lê - khách hàng thường xuyên đến đây mua đồ cho biết: “Vào đến đây mua đồ là tôi tin tưởng hoàn toàn về nguồn gốc. Thế nhưng khi để ý kỹ tại quầy rau củ thì loại có nhãn mã, loại lại không có. Đa phần là hàng nhập khẩu, hàng khô thì có mã đầy đủ dễ truy xuất. Khi hỏi nhân viên bán hàng về nguồn gốc của rau củ quả, thì các bạn bảo được nhập ở nguồn uy tín nên khách hàng yên tâm”, chị Nguyễn Lê kể.

Quan sát của phóng viên tại một số siêu thị cũng như chợ truyền thống cho thấy, người dân đã biết xây dựng thói quen quét mã truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, thế nhưng cũng còn nhiều người chưa biết đến tác dụng của mã QR in trên sản phẩm, cũng như cách dùng điện thoại để truy xuất các mã này. Họ chỉ mua hàng theo nhu cầu, theo sở thích và thói quen. Còn tại nhiều siêu thị, một số sản phẩm có mã QR nhưng khi đưa máy quét thì không hiện lên thông tin về sản phẩm.

Nên đưa ra quy định bắt buộc in mã QR

Từ năm 2005, Liên minh Châu Âu truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng tăng cường hệ thống kiểm định này. Tháng 1/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA), trong đó yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Ireland, Canada quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn mác, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất. Ở Ấn Độ, từ năm 2006, các nhà sản xuất, chế biến nho đã thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử GrapeNet.

Từ năm 2010, Thái Lan ban hành chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí, do Văn phòng quốc gia về tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm (ACFS) tập huấn và hỗ trợ. Tất cả các sản phẩm chuối nải, chuối quả, sầu riêng quả bán ở cửa hàng rau quả nhỏ ở Thái Lan cũng được dán mã QR. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho người nông dân.

Trao đổi với PV Báo CAND, đại diện Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia cho biết, tại thời điểm này đơn vị quản lý nhà nước chưa bắt buộc doanh nghiệp phải dãn nhãn QR cho sản phẩm. Thế nhưng đến năm 2027, theo khuyến cáo của tổ chức mã số vạch toàn cầu thì các nước sẽ chuyển mã 1D (tạiViệt Nam, mã vạch trên sản phẩm hàng hóa đều được sử dụng theo một mã vạch chuẩn laEÀNgồm13 số) sang 2D (giống mã QR) để tiện cho việc quản lý.

Ngoài mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc thì nó có hai nội dung cần đưa vào luật là nhãn điện từ và hộ chiếu số. Nhãn điện tử là phục vụ cho quản lý tất cả các sản phẩm hàng hóa theo quy định từ trước. Còn hộ chiếu số là công cụ mới đảm bảo rằng đáp ứng các yêu cầu của Liên minh Châu Âu cho các dòng sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Châu Âu. Hộ chiếu số hiểu nôm na như mã quét QR nhưng chủ yếu là chíp như trên căn cước.

Phía Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia cũng thông tin thêm, mã QR là để cho người dân dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng nếu không đưa vào luật thì việc giám sát của người dân cũng sẽ kém đi, còn doanh nghiệp sẽ không kê khai minh bạch. Còn khi đưa vào luật, doanh nghiệp không cần kê khai hết nhưng một số trường dữ liệu cơ bản thì phải kê khai để bảo vệ người tiêu dùng. Tiếp nữa, việc kê khai cũng là đảm bảo các khâu hậu kiểm. Hiện nay ra siêu thị nếu sản phẩm chỉ in hay dán mã vạch thì người dân rất khó quét, nhưng nếu là mã QR thì quét ra thông tin luôn. Chính vì thế mà toàn cầu khuyến cáo trong cả một chiến dịch gần chục năm nay là chuyển mã 1D sang 2D.

Cũng liên quan đến vấn đề mã số mã vạch, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Một trong điểm mới của dự luật là quy định về mã vạch với sản phẩm, hàng hóa. Theo đó, mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); tập hợp điểm (Data Matrix, QRcode, PDF417, mã vạch hai chiều); chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ nhận dạng khác.

Theo cơ quan soạn thảo, ứng dụng công nghệ là một trong những biện pháp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó có ứng dụng mã số, mã vạch, ghi nhãn điện tử. Mã số, mã vạch là một công cụ hữu hiệu được ứng dụng phổ biến trong quản lý và được sử dụng bởi tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thêm, dự luật quy định rõ việc thể hiện các thông tin về mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm theo quy định của pháp luật. Do đó, khi pháp luật có yêu cầu bắt buộc phải thể hiện các thông tin này thì người sản xuất phải tuân thủ theo. Trường hợp pháp luật chưa có quy định, người sản xuất được khuyến khích thể hiện các thông tin này.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 và thông qua vào cuối năm nay.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/quet-ma-qr-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-de-bao-ve-nguoi-tieu-dung-i763906/