Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á công bố 3 xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo
Ngày 21/12, Bộ Kinh tế Sáng tạo Indonesia đề xuất 3 xu hướng phát triển kinh tế sáng tạo năm 2025, trong đó kết hợp các giá trị truyền thống với cách tiếp cận hiện đại nhằm đổi mới toàn diện, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Sáng tạo Teuku Riefky Harsya cho biết, xu hướng đầu tiên sẽ tập trung vào các sản phẩm địa phương với trọng tâm phát huy giá trị vùng miền trong điều kiện mới. Xu hướng thứ hai là nét tinh hoa về nền ẩm thực đa dạng của Indonesia. Du khách quốc tế sẽ có những trải nghiệm thú vị và khám phá những đặc trưng của nền văn hóa Indonesia thông qua hương vị thực phẩm truyền thống.
Xu hướng thứ ba là cuộc cách mạng thời trang, tập trung vào tính bền vững và ngành thời trang thân thiện với môi trường hơn ở Indonesia, vì vậy các nhà sản xuất dự kiến sẽ sử dụng nhiều nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên hơn trong sản phẩm của họ.
Theo ông Harsya, tất cả những xu hướng này phản ánh định hướng phát triển nền kinh tế sáng tạo, hướng tới sự đổi mới, tính bền vững và sự phù hợp về văn hóa trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Các xu hướng kỳ vọng sẽ tạo động lực hỗ trợ ngành kinh tế sáng tạo đóng góp tới 8,37% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia vào năm 2029, như đã nêu trong Kế hoạch phát triển dài hạn quốc gia (RPJMN).
Kế hoạch này cũng dự kiến hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu ngành kinh tế sáng tạo quốc gia trong dài hạn ở mức 5,96%, tăng trưởng đầu tư ở mức 8,08% và tạo việc làm cho 27,66 triệu người.
Nửa đầu năm 2024, Chính phủ Indonesia ghi nhận xuất khẩu của ngành kinh tế sáng tạo đạt 12,36 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 540 triệu USD được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu sản phẩm của nền kinh tế sáng tạo của Indonesia chủ yếu là sản phẩm thời trang đạt 6,77 tỷ USD, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đạt 4,76 tỷ USD và sản phẩm ẩm thực đạt 830 triệu USD.