Quốc gia thành viên NATO muốn gia nhập BRICS

Ngày 4/6/2024, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho biết, nước này muốn tham gia Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Theo Thổ Nhĩ Kỳ, tổ chức này sẽ trở thành một sự thay thế tốt cho Liên minh châu Âu (EU). Câu hỏi đặt ra là mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ khi tham gia BRICS là gì? Và liệu các nước thành viên BRICS có chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên NATO.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) được thành lập vào năm 2006 với các thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó, BRICS được mở rộng với sự tham gia của Nam Phi và từ năm 2024, Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ả-rập Xê-út và Ethiopia chính thức trở thành thành viên của BRICS.

Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fiden, BRICS sẽ là một sự thay thế tốt cho EU và sẽ mở ra triển vọng hợp tác kinh tế cho nước này. Thực tế, mong muốn gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là quyết định bộc phát, mà các cuộc thảo luận về vấn đề này được xúc tiến trong nhiều năm qua. Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 của BRICS vào năm 2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ mong muốn Ankara sẽ gia nhập BRICS trong thời gian sớm nhất.

Trang tin Izvestia dẫn nhận định của chuyên gia Vadim Kozyulin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu và quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra không hài lòng với các chính sách của EU trong một thời gian dài khi tổ chức này liên tục từ chối mong muốn gia nhập của Ankara vì những vấn đề nhân quyền, hay những khác biệt trong chính sách đối ngoại. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải chuyển hướng sang BRICS như một phương án thay thế; đồng thời, phát đi thông điệp khẳng định Ankara sẵn sàng thực hiện chính sách độc lập với phương Tây.

Thông qua việc gia nhập BRICS, Thổ Nhĩ Kỳ muốn nâng cao vị thế quốc tế của mình ở khu vực, cũng như trên thế giới, đồng thời khai thác tiềm năng hợp tác kinh tế-thương mại rộng lớn với các nước thành viên BRICS. Hiện nay, trong BRICS, nhiều quốc gia thành viên là những đối tác truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, như Nga, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út,... Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nga, sau Trung Quốc và Ấn Độ, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 56,5 tỷ USD.

Hơn nữa, việc mở rộng các quốc gia thành viên mới từ đầu năm 2024 cho thấy sức hút ngày càng gia tăng của BRICS. Hiện nay, BRICS chiếm khoảng 30% quy mô kinh tế toàn cầu, 26% diện tích lãnh thổ và 43% dân số thế giới, đồng thời sản xuất hơn một phần ba sản lượng ngũ cốc toàn cầu. Trong thông điệp liên bang ngày 29/2/2024, Tổng thống Nga Putin cho biết các quốc gia BRICS đang vượt qua Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) về tỷ trọng trong GDP toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP). Theo Tổng thống Putin, tỷ trọng của BRICS trong nền kinh tế thế giới theo sức mua tương đương sẽ tăng lên 36,6% vào năm 2028, trong khi tỷ trọng của G7 sẽ giảm xuống 27,8%.

BRICS sẽ chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập BRICS sẽ được thảo luận tại cuộc họp cấp bộ trưởng của các nước thành viên, được tổ chức vào ngày 10-11/6 tại Nizhny Novgorod. Đến nay, Nga được xem là quốc gia phản ứng tích cực nhất về mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 4/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo, Moscow hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm đến việc gia nhập BRICS, đồng thời lưu ý rằng, chủ đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS do Nga chủ trì sắp tới.

Theo Kirill Semenov, nhà phân tích chính trị và chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga chuyên về Trung Đông đánh giá, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên. Không chỉ có vai trò, vị thế quốc tế lớn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở vị trí địa lý chiến lược, có vai trò đặc biệt quan trọng nối hai lục địa Á-Âu, trên một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Với vị thế và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ cho hàng hóa các nước thâm nhập vào thị trường các khu vực Trung Đông và Nam Âu. Trong khi đó, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thành tích xuất sắc với tốc độ tăng trưởng ổn định trong nhiều năm qua. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế cho Thổ Nhĩ Kỳ lên 3,6% trong năm 2024.

Tuy nhiên, chuyên gia Kirill Semenov cũng cho rằng, trở ngại chính đối với việc gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ chính là tư cách thành viên NATO của nước này. Bởi lẽ, BRICS là tổ chức bao gồm các quốc gia độc lập và không thuộc các liên minh hoặc các tổ chức có hệ thống phân cấp chặt chẽ, hàm ý rằng quốc gia tham gia sẽ chuyển giao một phần chủ quyền của mình, mà cụ thể ở đây Ankara là một đồng minh của các nước phương Tây trong NATO. Những quy chế đồng minh trong NATO của Ankara nhiều khả năng sẽ khiến các nước BRICS e ngại.

Có thể khẳng định, việc Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập BRICS bộc lộ những rạn nứt trong quan hệ đồng minh giữa nước này với các nước phương Tây, và điều này sẽ khiến các nước phương Tây không hài lòng. Vị thế quan trọng trong NATO cùng vai trò “chốt chặn” luồng người di cư vào châu Âu khiến Ankara là nhân tố không thể thiếu với phương Tây. Thế nhưng, việc Ankara ngày càng “xích lại” gần Nga, Trung Quốc, những quốc gia luôn bị phương Tây coi là “đối thủ cạnh tranh” hàng đầu, rõ ràng đi ngược lại lợi ích của các nước phương Tây. Thời gian tới, sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là rất lớn, và cộng đồng quốc tế sẽ đặc biệt quan tâm đến phản ứng của Mỹ và đồng minh châu Âu nếu Thổ Nhĩ Kỳ chính thức gia nhập BRICS.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-gia-thanh-vien-nato-muon-gia-nhap-brics-215962.htm