Quốc gia xuất khẩu gần 12 tỷ USD từ vàng và cái giá đắt cho giấc mộng đổi đời

GHANA - Giữa làn sóng bất ổn địa chính trị và vàng trở thành 'tài sản trú ẩn' của thế giới, một quốc gia châu Phi bất ngờ vươn mình thành một trong những trung tâm xuất khẩu quan trọng nhất trong mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong cơn khát vàng toàn cầu, Ghana đã tìm được mạch sống mới. Quốc gia Tây Phi từng bị lãng quên trên bản đồ đầu tư thế giới này đang vươn mình thành điểm đến chiến lược mới của thị trường vàng toàn cầu.

Số liệu công bố gần đây cho thấy, kim ngạch xuất khẩu vàng của Ghana ước đạt 11,6 tỷ USD (khoảng 303 nghìn tỷ đồng) vào năm 2024, tăng mạnh 52,6% so với mức 7,6 tỷ USD (khoảng 198 nghìn tỷ đồng) của năm 2023.

Kim loại quý này giúp Ghana “mua lại niềm tin” trên thị trường quốc tế sau vụ vỡ nợ năm 2022, nhưng cái giá phải trả cũng ngày càng hiện rõ ở phía bên kia cán cân.

Ghana đang trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu vàng quan trọng của thế giới. Ảnh: Ghana Gold Board

Ghana đang trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu vàng quan trọng của thế giới. Ảnh: Ghana Gold Board

Siêu cường vàng mới nổi

Ghana là quốc gia sản xuất vàng lớn nhất châu Phi kể từ năm 2019, vượt qua cả Nam Phi - vốn thống trị ngành khai khoáng suốt hàng chục năm.

Theo ước tính của Ghana Gold Board, tổng sản lượng khai thác vàng của nước này trong năm 2024 đạt 151 tấn, trong đó 66 tấn đến từ khu vực khai thác thủ công (small-scale mining), tức các mỏ nhỏ, không chính thức và người lao động chủ yếu là dân nghèo.

Chỉ riêng khu vực này đã đóng góp 5 tỷ USD (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) doanh thu xuất khẩu và có thể tạo ra tới 12 tỷ USD (khoảng 313,7 nghìn tỷ đồng)/năm nếu sản lượng được nhân đôi như mục tiêu của chính phủ Ghana.

Đây là mức doanh thu mà bất kỳ quốc gia đang gánh nợ nào cũng phải thèm muốn, đặc biệt khi Ghana hiện vẫn trên hành trình tái lập niềm tin với thị trường vốn quốc tế sau cú vỡ nợ vào năm 2022.

“Mục tiêu của chúng tôi là nâng sản lượng thu mua lên hơn 3 tấn/tuần”, Tổng giám đốc Ghana Gold Board Sammy Gyamfi cho biết. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu về khoảng 6 tỷ USD (khoảng 156,8 nghìn tỷ đồng) vào cuối năm 2025, nhưng tin tưởng sẽ đạt được mức 12 tỷ USD/năm bắt đầu từ năm sau”.

Chiến lược này không chỉ tăng cường dự trữ ngoại tệ (vàng đang chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của Ghana), là nhân tố then chốt thúc đẩy GDP mà còn là đòn đánh mạnh vào thị trường chợ đen - vốn đang âm thầm rút cạn nguồn vàng trong nước.

Vàng Ghana hiện có mặt tại các thị trường lớn trên thế giới. Ảnh: Energy Capital Power

Vàng Ghana hiện có mặt tại các thị trường lớn trên thế giới. Ảnh: Energy Capital Power

Một mình ‘cân’ cả chuỗi cung ứng toàn cầu?

Vàng Ghana hiện có mặt tại khắp các thị trường lớn trên thế giới và trở thành “mạch máu” nối liền châu Phi với các thị trường kim loại quý toàn cầu. Châu Á là điểm đến lớn nhất, chiếm 65,4% lượng xuất khẩu vàng của quốc gia Tây Phi này, trong đó riêng UAE như “cảng trung chuyển vàng” tiếp nhận đến 53,1%.

Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu từ Ghana để đa dạng hóa nguồn cung và giảm phụ thuộc vào các kênh truyền thống, lần lượt chiếm vị trí thứ 2 và thứ 3.

Tại châu Âu, Thụy Sĩ - trung tâm tinh luyện vàng toàn cầu tiêu thụ hơn 60% lượng vàng xuất khẩu từ Ghana sang lục địa này, trong khi phần còn lại rải rác tại Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bỉ và một loạt quốc gia Đông Âu.

Trong khi tại châu Phi, Nam Phi chiếm 60,5% đơn hàng, tiếp đến là Mali, Burkina Faso và Bờ Biển Ngà.

Sự phụ thuộc ngày càng sâu rộng của các nền kinh tế lớn vào vàng Ghana phản ánh thực tế: Một mặt, Ghana đang vươn mình thành mắt xích thiết yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng mặt khác, nó cũng khiến quốc gia này trở nên mong manh khi quá nhiều kỳ vọng đặt lên một tài nguyên không tái tạo.

Những vết nứt dưới lớp kim loại quý

Hình ảnh những đoàn xe chở vàng lăn bánh ra cảng xuất khẩu chưa phản ánh được toàn cảnh cuộc chơi. Đằng sau con số hàng tỷ USD là những cộng đồng bị chia cắt, những con sông bị nhiễm độc thủy ngân và những cánh rừng biến mất vĩnh viễn.

Tăng trưởng xuất khẩu vàng đã mang lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho Ghana, nhưng cái giá mà quốc gia này phải trả là những tổn thất nặng nề về môi trường và xã hội. Ảnh: Griffin Museum of Photography

Tăng trưởng xuất khẩu vàng đã mang lại nguồn ngoại tệ dồi dào cho Ghana, nhưng cái giá mà quốc gia này phải trả là những tổn thất nặng nề về môi trường và xã hội. Ảnh: Griffin Museum of Photography

Galamsey - hoạt động khai thác vàng thủ công, thường là bất hợp pháp, hiện đóng góp tới 40% sản lượng toàn ngành. Phần lớn trong số đó diễn ra trong điều kiện thiếu an toàn, không kiểm soát hóa chất và không có bảo hiểm xã hội. Những tai nạn sập hầm, nhiễm độc, lao động trẻ em là mặt trái gần như không được nhắc đến trong các báo cáo thương mại.

Nhiều nông dân bị buộc rời bỏ đất canh tác khi nguồn nước cạn kiệt, đất đai nhiễm độc, rừng bị san phẳng. Trong khi đó, người trẻ tại các khu khai thác ngày càng bị cuốn vào các nhóm tội phạm buôn lậu vàng xuyên biên giới.

Dù nằm trên những mỏ vàng trị giá hàng tỷ đô nhưng nhiều cộng đồng địa phương ở Ghana vẫn sống trong cảnh nghèo đói, cơ sở hạ tầng lạc hậu và môi trường bị tàn phá, theo báo cáo của công ty nghiên cứu và tư vấn chiến lược Anang Tawiah. Thực trạng này đang làm suy yếu tính bền vững của bất kỳ chiến lược phát triển nào.

Kịch bản tăng trưởng dựa vào tài nguyên như Ghana không còn là mới. Giới quan sát nhận định, nếu không kiểm soát được "tham vọng vàng", một ngày nào đó, Ghana có thể sẽ “thức tỉnh” và nhận ra: thứ họ đào lên không chỉ là vàng, mà còn là những khoảng trống khó lòng lấp đầy - những cánh rừng đã mất, những dòng sông đã chết và những cộng đồng không còn nguyên vẹn.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quoc-gia-xuat-khau-gan-12-ty-usd-tu-vang-va-cai-gia-dat-cho-giac-mong-doi-doi-2418227.html