Quốc hội 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia có chuyến khảo sát thực địa chung
Trong khuôn khổ chuyến khảo sát thực địa tại khu vực biên giới tại các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển (CLV), sáng 18/10, đoàn công tác của Quốc hội Vương quốc Campuchia - Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào - Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã tổ chức hội nghị tại Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam có chuyến khảo sát thực địa chung, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2023 tới đây.
Tham dự cuộc làm việc, về phía Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có ông Vũ Hải Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội làm trưởng đoàn. Về phía Vương quốc Campuchia có ngài Sous Yara - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, hợp tác quốc tế, thông tin và truyền thông Quốc hội; Ngài Kep Chuk Tema - Chủ nhiệm Ủy ban Nội vụ, Quốc phòng và Công vụ Quốc hội. Về phía Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có ngài Linkham Douansavanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cùng đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Phước đã có những kiến nghị rất thực tế, nhằm thúc đẩy giao lư kinh tế, xã hội giữa các tỉnh biên giới. Trong đó, tỉnh Đắk Nông kiến nghị Chính phủ, Bộ ngành của Việt Nam - Campuchia sớm thống nhất việc triển khai xây dựng cầu biên giới Đắk Dang; đẩy mạnh việc triển khai Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền biên giới Việt Nam – Campuchia; ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cửa khẩu Đắk Peur (tỉnh Đắk Nông) – Bu Sara (tỉnh Mondulkiri - Campuchia) thành cửa khẩu quốc tế giai đoạn 2025-2030.
Về phía tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị quốc hội 3 nước có các cơ chế ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển như chính sách đầu tư thuế xuất ưu đãi, cơ chế huy động vốn, tăng cường hợp tác triển khai các dự án về y tế giữa 2 nước; đồng thời có chính sách giúp giao thương hàng hóa thuận lợi hơn trong thời gian tới:
"Tỉnh Gia Lai kiến nghị tiếp tục đàm phán với Quốc hội Campuchia về nâng mức hạn ngạch vận tải thương mại giữa 2 nước, nhằm giữa hai nước, tiến đến xóa bỏ hạn ngạch vận tải tạo điều kiện phát triển giao thương trong chương trình hợp tác CLV (Tam giác phát triển) và phát triển thương mại toàn diện giữa hai nước. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành trung ương xem xét, bổ sung danh mục các nhiệm vụ, chương trình, dự án, hợp tác, kết nối đến năm 2030 trong Kế hoạch hành động kết nối nền kinh tế ba nước Campuchia ‐ Lào ‐ Việt Nam đến năm 2030; Nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng tuyến đường bộ cao tốc kết nối tỉnh Ratanakiri (Campuchia) với cao tốc CT.20 Quy Nhơn ‐ Pleiku ‐ Lệ Thanh (Việt Nam; Thực hiện đầu tư dự án xây dựng bệnh viện đa khoa quốc tế khu vực Tam giác phát triển." - ông Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND nói.
Hội nghị đánh giá trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào đạt 1,19 tỷ USD, giảm 1,96% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 395 triệu USD; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 802 triệu USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt 6,5 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 3,73 tỷ USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 2,77 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng 5 tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển năm 2022 là 8,62%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản trong GRDP vùng là 29,4%; công nghiệp- xây dựng chiếm 27,4%, dịch vụ đạt 38,7%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2022 đạt 60,6 triệu đồng.
Tuy vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, thì các lĩnh vực đối ngoại, kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng an ninh thuộc nội dung hợp tác khu vực Tam giác phát triển cũng cần có các giải pháp tiếp cận mới. Các đại biểu đã có nhiều phân tích, kiến nghị gửi tới Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước.
Kết thúc buổi làm việc ông Vũ Hải Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá cao đóng góp của đại biểu các nước và đại biểu các bộ, ngành trong nước, cùng các địa phương trong khu vực Tam giác phát triển. Các ý kiến có ý nghĩa quan trọng để quốc hội 3 nước hỗ trợ chính phủ 3 nước tiếp tục đồng hành, thúc đẩy các cơ chế cho khu vực, giữ vững an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, đưa quan hệ 3 nước, 3 quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu.
"Sau 20 năm hình thành và phát triển của khu vực Tam giác phát triển, chính phủ 3 nước đã tích cực thực hiện nhiều chính sách, những cơ chế hợp tác, thực hiện những văn kiện đã ký kết. Từ đó mang lại những kết quả tích cực, góp phần duy trì hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, từng bước nâng cao đời sống nhân dân tại các tỉnh của 3 nước trong khu vực. Việc triển khai các hợp tác trong Tam giác phát triển cần có những bước đột phá có điểm nhấn, để đáp ứng các yêu cầu căn bản về mọi mặt của các địa phương trong khu vực của Tam giác phát triển trong giai đoạn mới." - ông Vũ Hải Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết.
Trước đó, chiều 17/10, Đoàn khảo sát của Ủy ban Đối ngoại 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam khảo sát tại Cột mốc ngã ba biên giới Campuchia - Lào - Việt Nam và Cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Chiều 18/10, đoàn khảo sát tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trước khi sang Campuchia tiếp tục chuyến công tác.