Quốc hội Ai Cập tán thành gửi quân đội tham chiến ngoài lãnh thổ
Quốc hội Ai Cập ngày 20/7 đã đồng ý gửi các lực lượng vũ trang tham gia chiến đấu bên ngoài lãnh thổ để bảo vệ an ninh quốc gia và chống khủng bố.
Quốc hội Ai Cập khẳng định các lực lượng vũ trang được thực hiện nhiệm vụ theo hiến pháp và hợp pháp để đối phó với các mối đe dọa. Quyết định được đưa ra trong một phiên họp kín. Theo đó quốc hội Ai Cập ủy quyền cho tổng thống El Sisi triển khai quân tới nước láng giềng Libya nếu các lực lượng chính phủ đoàn kết dân tộc được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tấn công vào thành phố ven biển chiến lược Sirte.
Trước đó, Quốc hội và thủ lĩnh các bộ lạc của Libya đã yêu cầu Tổng thống Ai Cập gửi quân đội hỗ trợ an ninh Libya. Tổng thống El-Sisi tuyên bố sẽ không đứng yên trước các mối đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia của Ai Cập.
Trong khi đó, người đứng đầu Đảng Tương lai, cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu đã kêu gọi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tránh đụng độ với Ai Cập ở Libya. Ông Davutoglu cho rằng cuộc đối đầu giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya sẽ không tốt cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước ủng hộ lớn nhất cho Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya và hai bên đã ký một bản ghi nhớ để phân định biên giới trên biển vào tháng 11/2019 trước sự phản đối rộng rãi nhiều nước vì cho rằng mục đích của thỏa thuận này là nhằm mở rộng sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển Địa Trung Hải.
Trong diễn biến liên quan, quân đội quốc gia Libya tuyên bố sẵn sàng của các lực lượng vũ trang để đẩy lùi bất kỳ cuộc tấn công nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào thành Sirte và thành phố Al-Jafra. Theo thông tin Quân đội quốc gia Libya có được Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch cho cuộc tấn công bất ngờ và nhanh chóng vào khu vực thành phố Sirte và thành phố Al-Jafra.
Trong những ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục gửi hỗ trợ hậu cần và thiết bị quân sự cho lực lượng chính phủ đoàn kết dân tộc Libya ở gần Sirte chống lại quân đội quốc gia Libya. Theo các nguồn tin, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 16.000 lính đánh thuê từ Syria đến Libya và cũng đã gửi các bệ phóng tên lửa tới Libya.
Libya đã rơi vào hỗn loạn năm 2011 và đang bị chia rẽ giữa một chính phủ ở phía đông do quân đội quốc gia kiểm soát và một chính phủ đoàn kết dân tộc ở phía tây được Liên Hợp Quốc hỗ trợ. Cuộc xung đột đã leo thang thành một cuộc chiến ủy nhiệm khu vực khi các cường quốc chuyển vũ khí và lính đánh thuê vào Libya./.