Quốc hội bàn cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân

Ngày 16/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân trước khi thông qua vào ngày 17/5.

Ngày 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết một số cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo nghị quyết này nhằm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 68 và tạo cú hích, đòn bẩy để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Sáng 16/5/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Sáng 16/5/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Dự kiến vào 11 giờ ngày thứ Bảy, 17/5, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội để thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế đặc thù của Quốc hội để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống giống như cách Quốc hội làm với Nghị quyết 193 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Lãnh đạo Quốc hội khẳng định: Quan điểm của Quốc hội là Nghị quyết sẽ chắt lọc, không quá dài và khi đọc Nghị quyết sẽ thấy nhiều điểm mới về kinh tế tư nhân.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để Nghị quyết đi vào cuộc sống và hạn chế các vướng mắc, chồng chéo phát sinh, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV lần này, Quốc hội sẽ sửa tất cả các luật có liên quan đến kinh tế tư nhân. Trong đó có Luật Tố tụng dân sự, Luật Thuế thu nhập, Luật Đầu tư, Đấu thầu, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Thanh tra…

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ các Đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để tạo điều kiện thuận lợi, tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân.

Theo đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định), Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, nghĩa là 5 năm tới, chúng ta phải có thêm 1 triệu doanh nghiệp. Để đạt mục tiêu này, dự thảo Nghị quyết cần có các giải pháp cụ thể như cải thiện môi trường kinh doanh; các thủ tục thành lập doanh nghiệp phải thật sự thuận lợi. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện mục tiêu này.

Tại Khoản 4, Điều 10, dự thảo Nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, tôi đề nghị cần tăng thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên 5 năm. Bởi lẽ, doanh nghiệp được chấp nhận chủ trương đầu tư đã mất 1 năm, xây dựng dự án đầu tư khoảng 2 năm, như vậy trong 3 năm, doanh nghiệp chỉ làm thủ tục, xây dựng, đưa dự án vào hoạt động, chứ chưa có doanh thu để miễn thuế.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quoc-hoi-ban-co-che-dac-thu-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-387822.html