Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Đã đến lúc tận dụng vốn tư nhân, nhưng...

'Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được', chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nói.

Tận dụng nguồn vốn tư nhân

Chia sẻ với PV Tiền Phong về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, GS, TS. Bùi Xuân Phong - nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt Việt Nam - cho biết, theo tinh thần của Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn tham gia thực hiện dự án.

Mới đây, VinSpeed đề xuất được tham gia đầu tư dự án theo hình thức đầu tư trực tiếp, thay cho hình thức đầu tư công hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đáng chú ý, doanh nghiệp này đề xuất thực hiện dự án trong vòng 5 năm - bằng 1 nửa thời gian thực hiện dự án ban đầu.

GS, TS. Bùi Xuân Phong cho rằng, không chỉ VinSpeed, hiện nay rất nhiều nhà thầu Việt Nam cũng muốn tham gia vào công đoạn thi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, đường sắt là ngành đòi hỏi công nghệ phức tạp không chỉ về công trình, cơ khí mà còn cả về điện, vận tải và kinh tế. Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại càng đòi hỏi yêu cầu đặc biệt. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam chỉ nên tham gia vào những công đoạn không đòi hỏi công nghệ cao, phù hợp với năng lực của mình và đảm bảo đáp ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao.

GS, TS. Bùi Xuân Phong - nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam. Ảnh: VNHN.

GS, TS. Bùi Xuân Phong - nguyên Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam. Ảnh: VNHN.

“Thách thức hiện nay đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là cần phải mua, hoặc chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển về đường sắt tốc độ cao, đồng thời cần học hoặc thuê chuyên gia nước ngoài có trình độ cao”, GS, TS. Bùi Xuân Phong bày tỏ.

Ở góc nhìn khác, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đánh giá doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng có năng lực phát triển với bộ máy tổ chức gọn nhẹ, có tính quyết đoán và phân bổ kinh phí hiệu quả. Do đó, ông Thủy có niềm tin vào việc doanh nghiệp tư nhân có thể tham gia nhiều hơn vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, đây là một bài toán khó vì kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa có, dẫn đến việc phải thuê đội ngũ chuyên gia và kiến trúc sư nước ngoài - những người chưa có kinh nghiệm và sự nghiên cứu sâu sắc về đặc thù đường sắt nước ta.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân khi làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trong đó Nhà nước giao quyền cho doanh nghiệp tư nhân ở một mức độ nào đó để tạo ra sức mạnh chung, nhằm đạt hiệu quả trong vấn đề về vốn, đầu tư, quản lý, công nghệ... Đặc biệt, có thể để Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thay mặt vai trò của Nhà nước trong việc quản lý hoạt động của doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án.

Cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân khi làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Báo Chính phủ.

Cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân khi làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Báo Chính phủ.

Theo ông Thủy, ngành đường sắt Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm phát triển nên có bề dày về kinh nghiệm để tư vấn và định hướng cho doanh nghiệp thực hiện. Ở chiều ngược lại, cần có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân độc lập trong một số khâu thực hiện dự án.

“Đã đến lúc chúng ta phải tận dụng nguồn vốn từ kinh tế tư nhân, sự năng động, quyết toán và tính quản lý chặt chẽ của họ để tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuy nhiên, con đường đi còn rất dài chứ không thể thực hiện được ngay được”, TS. Nguyễn Xuân Thủy nói.

Cơ hội nội địa hóa

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hội vận tải đường sắt Việt Nam - cho PV Tiền Phong biết, Việt Nam coi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là một trong những trụ cột chính của kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Dự án được định hướng sử dụng vốn đầu tư công là chủ yếu và ít phụ thuộc vào nước ngoài, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường xây lắp giá trị khoảng 33,5 tỷ USD và tiếp cận lĩnh vực công nghiệp đường sắt vô cùng tiềm năng mà dự án mang lại.

Tuy nhiên, đối với việc thực hiện một dự án mang tầm vóc lớn lao như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ đi kèm không ít thách thức về công nghệ, nhân lực, tài chính và pháp lý, đặt ra những câu hỏi lớn cho các nhà hoạch định chính sách cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo PGS, TS. Nguyễn Hồng Thái, thách thức lớn nhất của Việt Nam khi thực hiện dự án nằm ở khả năng điều phối đa ngành. Bộ Xây dựng cần giải hàng loạt bài toán thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Quốc phòng an ninh, tài chính, kế hoạch đầu tư, khoa học công nghệ, nghiên cứu - đào tạo, quy hoạch tích hợp không gian nhà ga, quy hoạch vùng và đầu tư nước ngoài.

PGS, TS. Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hội vận tải đường sắt Việt Nam. Ảnh: NVCC.

PGS, TS. Nguyễn Hồng Thái - Phó Chủ tịch Hội vận tải đường sắt Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Phó Chủ tịch Hội vận tải đường sắt Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào công đoạn thi công dự án cũng phải giải cùng một lúc nhiều bài toán. Đơn cử như yêu cầu tiêu chuẩn về kỹ thuật và công nghệ hàng đầu thế giới; tốc độ 350 km/h đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về thiết kế, thi công và kiểm soát chất lượng; các yếu tố như độ võng của dầm cầu, tương tác động lực giữa tàu và hầm, hệ thống tín hiệu phải đạt mức chính xác tuyệt đối…

Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sẵn nguồn nhân lực về kỹ sư đường sắt chất lượng để xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao vô cùng phức tạp, đòi hỏi yêu cầu công nghệ, kỹ thuật chính xác tuyệt đối và chưa có tiền lệ này.

“Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là cơ hội cho sự phát triển khả năng tự chủ vượt bậc của hạ tầng giao thông Việt Nam, mà còn là bài kiểm tra lớn về năng lực và sự đồng lòng của các doanh nghiệp trong nước. Với quyết tâm từ Chính phủ, sự hỗ trợ từ các chính sách vĩ mô, cùng tinh thần sáng tạo, chủ động của doanh nghiệp Việt Nam thì dự án này không chỉ là cơ hội nâng cao năng lực thi công, tạo điều kiện để Việt Nam nội địa hóa ngành công nghiệp đường sắt”, ông Thái nhấn mạnh.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài hơn 1.540 km,từ Hà Nội đến TPHCM, với tốc độ thiết kế lên đến 350 km/h. Đây là một trong những dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử, với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD. Dự án dự kiến khởi công trước ngày 31/12/2026 và hoàn thành vào năm 2035.

Lộc Liên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-da-den-luc-tan-dung-von-tu-nhan-nhung-post1742657.tpo