Quốc hội chất vấn: Tranh luận, truy vấn đến cùng để sáng tỏ vấn đề
Bản chất của tranh luận là để đi đến tận cùng vấn đề, tìm ra chân lý, cũng là quyền của đại biểu, không nên giới hạn.
Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Thông tin về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc tranh luận trong hoạt động chất vấn.
Lý do, tại các phiên chất vấn gần đây, mỗi đại biểu chỉ có 1 phút và phải đợi đến lượt mới được hỏi, trong khi có trường hợp đại biểu không có câu hỏi nhưng lại được quyền tranh luận, không cần đợi theo thứ tự đăng ký và có đến 2 phút để tranh luận là không công bằng.
Do đó, ông Cường đề nghị làm rõ nguyên tắc bất kỳ đại biểu nào hay chỉ đại biểu đặt câu hỏi đó mới có quyền tranh luận với người trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, cần làm rõ sự khác nhau giữa khái niệm tranh luận trong hoạt động chất vấn với khái niệm chất vấn lại.
Cũng có ý kiến cho rằng, tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn giải trình chưa rõ thì đại biểu Quốc hội cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu và không chỉ đại biểu có câu hỏi mà đại biểu khác có cùng sự quan tâm cũng có quyền tranh luận với người bị chất vấn.
Còn chất vấn lại được hiểu là đại biểu đã chất vấn nhưng không hài lòng với câu trả lời thì có quyền chất vấn lại người bị chất vấn. Theo quy định hiện hành, việc chất vấn lại cũng là chất vấn và có thời gian như nhau.
“Dự thảo Nội quy (sửa đổi) đã nội quy hóa đổi mới trong hoạt động chất vấn đã được thực tiễn kiểm nghiệm đó là giảm thời gian chất vấn, chất vấn lại xuống 1 phút. Theo đó, thời gian tranh luận cũng chỉ nên trong khoảng 1 - 2 phút”, ông Cường cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cũng nhận được bức thư của cử tri TP HCM, với mong muốn rút ngắn thời gian mỗi kỳ họp. Dù chưa theo hướng này được, nhưng theo ông Thanh, nên có cách gì đó, chẳng hạn, với các phát biểu thảo luận tại tổ, đã được ghi nhận rồi, nhưng đến khi ra hội trường lại bê nguyên bài phát biểu đó ra phát biểu, thì có cần thiết không?
Làm hết việc chứ không làm hết giờ
Về tranh luận, chất vấn lại, ông Vũ Hồng Thanh và nhiều đại biểu đều đồng ý với sự cần thiết, song cần phải quy định rõ trong trường hợp nào thì được tranh luận, chất vấn lại. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, chất vấn là quyền của đại biểu nói chung chứ phải của riêng đại biểu nào.
Ông Vinh cũng cho rằng, không nên bỏ qua quyền chất vấn lại của đại biểu không trực tiếp chất vấn. “Một người chất vấn nhưng đó cũng là ý của nhiều người khác, nếu người được chất vấn chưa làm rõ, họ chất vấn lại, đề nghị làm cho rõ hơn”, ông Vinh lý giải.
Cùng mối quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho rằng, bản chất tranh luận là để đi đến tận cùng vấn đề, tìm ra chân lý. Vì vậy, tranh luận, chất vấn lại không nên giới hạn. “Đó là quyền của đại biểu trong nghị trường và cũng là mở rộng dân chủ nghị trường”, ông Huy cho hay.
Về thời gian phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên giữ 7 phút, không nên rút ngắn xuống 5 phút. Tuy nhiên, chủ tọa có thể linh hoạt trong điều hành phiên họp, cho phép phát biểu có thể rút ngắn hơn, cũng có thể kéo dài thời gian. “Quốc hội làm hết việc chứ không làm hết giờ, nếu Quốc hội đồng ý có thể cho kéo dài thời gian phiên họp”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Về tranh luận, chất vấn lại, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là quyền của đại biểu, chỉ nên quy định khi chất vấn không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, cũng không được phép lạm dụng quyền tranh luận để hỏi về vấn đề khác.